Với mức lương đáng ngưỡng mộ, ngành Kinh doanh quốc tế đang nhận về nhiều sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Hiện ngành học này cũng được nhiều trường đại học top đầu trên cả nước tuyển sinh, đào tạo với chất lượng giảng dạy tốt.
Mức lương ngành Kinh doanh quốc tế
Ngành Kinh doanh quốc tế bao gồm toàn bộ các hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ giữa từ hai hay nhiều quốc gia trên thế giới.
Sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như: chuyên viên xuất nhập khẩu, chuyên viên hoạch định tài chính quốc tế, chuyên viên kinh doanh quốc tế, chuyên gia marketing quốc tế, chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế.
Đảm nhận vị trí nhân viên giao dịch ngoại hối của một ngân hàng tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Minh Hiền – từng tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiết lộ, mức lương dành cho sinh viên mới ra trường tốt nghiệp ngành này khá cao.
“Thông thường, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế có thể làm việc tại nhiều công ty cũng như ứng tuyển vào các vị trí công việc khác nhau. Em chọn làm việc trong ngân hàng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương của người mới làm, nếu có nhiều năm kinh nghiệm cộng thêm vị trí cao thì việc có mức lương trên dưới 50 triệu đồng/tháng là điều dễ dàng”, Hiền cho hay.
Ngoài ra, với người có trình độ cao nếu chọn làm việc trong các công ty xuất nhập khẩu logistics hay các tập đoàn đa quốc gia, công ty cổ phần thương mại… thì có thể nhận được mức lương từ 30 – 150 triệu đồng/tháng. Người làm trong lĩnh vực này còn có thể hưởng thêm các khoản hoa hồng theo doanh số hoặc tiền thưởng doanh thu nếu như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trường đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế
Trường Đại học Thương mại tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy, xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27 điểm (A00; A01; D01; D07). Mức học phí dao động từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/tháng.
Trường Đại học Ngoại thương – năm 2024, xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế theo 4 phương thức: xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2023 ngành học này lấy ngưỡng điểm trúng tuyển khối A00 là 27,7 điểm và khối A01; D01; D07 là 27,2 điểm.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân – năm 2024, xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm trúng tuyển là 27,35 điểm (A00, A01, D01, D07). Mức học phí dự kiến thu trong năm học mới dao động 16 – 22 triệu đồng/năm học.
Đại học Kinh tế TP.HCM hiện đang đào tạo hai chuyên ngành thuộc ngành Kinh doanh quốc tế: Kinh doanh quốc tế và Ngoại thương. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kì thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét học bạ bậc THPT.
Năm 2023, ngành Kinh doanh quốc tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 26,5 điểm (A00; A01; D01; D07). Mức học phí rơi vào khoảng khoảng 24,8 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) – năm 2023, đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế theo hai chương trình học với mức điểm chuẩn lần lượt là: chương trình tiếng Việt lấy 26,52 điểm (A00; A01; D01; D07) và chương trình tiếng Anh lấy 26,09 điểm (A00; A01; D01; D07).
Năm học 2023 – 2024, nhà trường quy định mức học phí đối với chương trình tiếng Việt là là 25,9 triệu đồng/năm và chương trình tiếng Anh là 51 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh, mức điểm chuẩn và học phí ngành Kinh doanh quốc tế của một số trường đại học khác như: trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Tài chính – Marketing TP.HCM, trường Đại học Mở TP.HCM, trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Anh Anh(Tổng hợp)