Đầu tháng 4, vợ chồng Ngô Thanh Vân thông báo mở quán chay ở khu Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM. Trong những ngày sau đó, quán liên tục hết bàn, nhiều khách muốn ăn phải chờ cả tiếng.
Sau 4 tháng khai trương, quán đã giảm bớt tình trạng quá tải vì được cải tạo, mở rộng diện tích, thêm bàn, ghế và chỗ ngồi.
Ngô Thanh Vân mở tiệm chay lấy cảm hứng từ quán mì Việt Nam thời Pháp thuộc
Quán chay của Ngô Thanh Vân có không gian mát mẻ, thoáng đãng, trang trí theo kiểu hoài cổ.
Tuổi Trẻ Online ghé quán vào giờ nghỉ trưa, một trong những thời điểm đông khách nhất trong ngày của quán. Theo ghi nhận, vẫn còn tình trạng thiếu chỗ, hết bàn, có khách hàng vẫn chấp nhận ngồi đợi đến lượt mình. Tuy nhiên thời gian chờ không quá lâu.
Trên trang cá nhân, Ngô Thanh Vân tiết lộ với khán giả ông ngoại cô là người gốc Triều Châu, được sinh ra trong thời kỳ Pháp thuộc – năm 1923:
“Ông lớn lên và rong ruổi đó đây hành nghề buôn bán bàn ghế.
Những tô mì ăn vội nơi quán ven đường dần trở thành món ăn quen thuộc sau mỗi chuyến dừng chân lúc chiều về, trên hành trình xuôi ngược của ông”.
Khi Ngô Thanh Vân còn nhỏ, qua lời mẹ kể, cô đã mê đắm, tìm tòi những câu chuyện, hình ảnh về một thời Pháp thuộc gắn liền với những gánh mì làm ấm bụng ngoại mình và cũng là bữa ăn chính của người dân buôn bán thời ấy.
Rồi khi lập gia đình, cô gặp được một người bạn đời vừa là đầu bếp yêu thích việc nấu nuớng vừa có thể sáng tạo những món chay.
Từ đây, vợ chồng nữ diễn viên phim Hai Phượng ấp ủ ý tưởng tái hiện lại một tiệm mì nho nhỏ, phục vụ mọi người đến từ khắp miền gần – xa.
“Tiệm mì ra đời, lấy cảm hứng từ quán mì Việt Nam thời Pháp thuộc. Hình ảnh tiệm gợi nhớ những giá trị tinh thần và hướng đến một cuộc sống xanh, sống khỏe.
Tiệm sẽ chỉ phục vụ những món ăn chay. Vẫn thời thượng, vẫn có gu, vẫn nhiều hương vị và trên hết vẫn vì sức khỏe của những con người tất bật ngoài kia” – Ngô Thanh Vân viết.
Vợ chồng Ngô Thanh Vân mở quán ăn lấy cảm hứng từ những quán mì mà ông ngoại cô ăn vào thời Pháp thuộc – Ảnh: FBNV
Tô miến khoai lang trộn có giá 118.000 đồng, liệu có đáng?
Nhiều thực khách cho rằng nếu đã mất công ghé lại quán chay của Ngô Thanh Vân thì nhất định phải thử bằng được món miến khoai lang trộn dù đây là món ăn có giá cao nhất.
Đa số các bàn đều gọi món này để ăn. Linh hồn của món nằm ở vị xốt bơ đậu phộng béo ngậy, kết hợp cùng vị ngọt của nấm, cay nhẹ của gia vị. Tất cả hòa quyện để làm nên một tô miến trộn bùng nổ vị giác.
Tuy nhiên, một số người cho rằng sợi miến làm từ khoai lang khá dai nên khó để thấm đẫm gia vị hơn.
Trên mạng xã hội và các diễn đàn ẩm thực, có nhiều tranh cãi nổ ra khi một tô miến trộn chay mà lại có giá đến… hơn 100.000 đồng. Nhiều người so sánh mức giá này bằng ba bữa cơm mặn trong một ngày của người lao động.
Với đánh giá 2 sao cho địa điểm ăn uống này trên Google Maps, thực khách Tùng Phạm Sơn nêu cảm nhận:
“Tôi ăn miến trộn signature, bún măng vịt, quẩy, bánh đúc, nấm bào ngư và nước chanh bạc hà. Xét trên cùng giá tiền với các quán ăn khác, chất lượng đồ ăn không đặc sắc, nước uống ít và cũng không đặc sắc.
Miến trộn có sợi phở dày khá lạ nhưng phần đi kèm không ấn tượng (giống nhân bánh giò). Nấm bào ngư Tempura chiên có vỏ quá dày.
Tôi chỉ thấy bánh đúc ngon và lạ hơn các tiệm đồ chay khác do có nước cốt dừa phủ trực tiếp bên trên. Món quẩy có nước xốt lá dứa ngọt bùi. Tuy nhiên, hai món phụ này thực sự không kéo được sự tệ của các món khác kèm theo giá tiền cao”.
Thực khác Ăn và chơi viết:
“Món ăn ở đây hơi nhiều dầu mỡ và khá ngọt. Ít khả năng mình sẽ tự quay lại để ăn trừ khi phải đi chung hoặc gặp ai đó ở đây. Món best seller là miến trộn nhưng thú thực không ngon bằng bánh đúc”.
Bánh đúc cốt dừa và nấm bào ngư Tempura có giá 68.000 đồng. Món quẩy lá dứa có giá 38.000 đồng – Ảnh: HỒ LAM
Tuổi Trẻ Online ghi nhận các món ăn ở đây còn nhiều dầu mỡ, đậm gia vị.
Với những người theo thiên hướng ăn thuần chay, nghĩa là chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chế biến đơn giản bằng cách hấp, luộc, không tẩm ướp quá nhiều gia vị thì những món ăn ở tiệm chay của Ngô Thanh Vân có lẽ sẽ không hợp với họ.
Các món chủ đạo ở đây gồm: miến khoai lang trộn, mì viên kho Hong Kong, phở, bún Thái, bánh đúc… có giá dao động từ 68.000 – 118.000 đồng.
Trong đó, món rẻ nhất là bánh quẩy lá dứa có giá 38.000 đồng.
Món đắt nhất là miến khoai lang trộn, mì khô sủi cảo với giá 118.000 đồng.
Có ý kiến cho rằng để làm khách hàng quán chay của Ngô Thanh Vân thì phải là người có điều kiện kinh tế khá giả.
Quy mô của quán cũng chưa thể so với các nhà hàng chay cao cấp, vậy nên mức giá này còn khá cao so với các quán cùng phân khúc.
Trên thực tế, với vị trí mặt bằng tại khu Thảo Điền, quận 2 cũ, TP.HCM vốn dĩ khá đắt đỏ và giá thành nguyên liệu, công để làm những món chay có thể không rẻ nên không ít thực khách đến quán của Ngô Thanh Vân vẫn thông cảm và thoải mái với trải nghiệm ẩm thực tại đây.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mua-vu-lan-den-chanchan-noodle-cua-ngo-thanh-van-an-mon-chay-mien-khoai-lang-20240815204637471.htm