Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Xuân ở Hoàng Mai (Hà Nội) với PV. VietNamNet sau khi bán hết số vàng mình đã mua vào ngày vía Thần Tài từ năm 2019-2023.

Chị nhớ, 2019 là năm đầu tiên mình đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài. Khi đó, gom hết tiền mừng tuổi của các con, tiền thưởng Tết của vợ chồng chị cũng mua được 2 lượng vàng miếng SJC.

“Mua xong, nhiều người nói tôi sẽ bị thiệt bởi ngày vía Thần Tài giá vàng thường bị đẩy lên mức cao sau đó lại giảm mạnh”, chị nói. Thế nhưng, vừa mua cầu may và vừa để tích lũy nên chị không quan tâm quá nhiều về mức giá chênh lệch đó.

Các năm sau, vào ngày vía Thần Tài chị tiếp tục mua vàng. Tùy vào khả năng tài chính của gia đình, chị mua lượng vàng phù hợp. Có năm chị gom tiền chỉ mua được 1 lượng, cũng có năm mua được 2-3 lượng. Như năm ngoái, vàng miếng SJC giá 67,2 triệu đồng nên chị chỉ mua được 1 lượng.

W-via-than-tai-17-1.jpg
Nhiều người có thói quen mua vàng vào ngày vía Thần Tài và giữ lại số vàng này trong nhiều năm Ảnh Tâm An

“Giữ số vàng đó suốt mấy năm, nay tôi đem bán hết”, chị Xuân nói. Theo đó, 2 lượng vàng chị mua năm 2019 lãi hơn 39 triệu đồng/lượng; vàng mua năm 2020 lãi gần 32 triệu đồng/lượng… Ngay cả lượng vàng miếng mua năm ngoái đến nay đem bán cũng gần 10 triệu đồng/lượng.

Nhẩm tính, sau 5 năm “ôm” tiền đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài, nay đem bán lãi gần 230 triệu đồng, chị Xuân khoe.

Với nhiều người Việt, vàng không chỉ đơn thuần là phương tiện đầu tư mà là kênh trú ẩn an toàn. Người dân muốn giữ vàng để đề phòng bất trắc, rủi ro. Theo ước tính, có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân.

Không chỉ để tích luỹ phòng ngừa rủi ro, khoảng hơn 10 năm gần đây, vào ngày vía Thần Tài, mọi người thường đổ xô đi mua vàng cầu cho năm mới làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt và tài lộc, thịnh vượng.

Ông Tô Hòa Bình ở Đống Đa (Hà Nội) dù không buôn bán gì nhưng 15 năm qua, ông luôn đi mua vàng ngày vía Thần Tài để cầu may cho gia đình.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Bình nói: “Năm nào tôi cũng mua 2 chỉ vàng để vợ chồng mỗi người 1 chỉ. Trong 1-2 năm đầu, sau khi mua vàng ngày vía Thần Tài có việc cần dùng đến tiền nên tôi phải bán ngay sau đó, còn nhiều năm nay cứ mua và cất đi”. Nếu giờ đem bán số vàng này, ông Bình thu về khoản lãi rất cao.

Ở nước ta, mỗi dịp vía Thần Tài, hàng trăm nghìn người lại kéo nhau đến cửa hàng mua vàng. Có người chỉ mua 0,5 chỉ, cũng có người mua vài lượng, thậm chí vác cả bao tải tiền đi mua vàng bất chấp giá biến động mạnh sau ngày vía Thần Tài.

gia-vang-via-than-tai.png
Giá vàng ngày vía Thần Tài chiều bán ra tăng mạnh qua các năm Đồ họa Tâm An

Vậy, những người mua vàng vào ngày Thần Tài, nếu giữ đến nay sẽ thu về khoản lãi như thế nào?

Thực tế, từ 2018 đến nay, giá vàng bước vào chu kỳ biến động dữ dội theo đà tăng dựng đứng. Từ mốc 36,44 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong phiên giao dịch đầu năm 2018 đã vọt lên đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 27/12/2023, sau đó rớt còn 74,02 triệu đồng trong phiên giao dịch cuối năm 2023.

Giá vàng SJC chốt phiên hôm 16/2 hạ nhiệt còn 78,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra sau khi tăng lên đỉnh cao 79 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng do sức mua tăng mạnh dịp lễ Thần Tài.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2018-2023, giá vàng ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) ghi nhận đà tăng qua từng năm.

Cụ thể, ngày vía Thần Tài năm 2018 (25/2/2018), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng ở mức 37,04 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Vào ngày vía Thần Tài 2019 (14/2/2019), giá vàng miếng SJC ghi nhận ở mức giá 37,07 triệu đồng/lượng. Mức giá này gần như không biến động so với ngày vía Thần Tài 2018.

W-gia-vang-via-than-tai-1.png
Mức lợi nhuận khi mua vàng ngày vía Thần Tài và bán ra vào phiên cuối năm đồ họa Tâm An

Ngày vía Thần Tài 2020 (3/2/2020), vàng miếng SJC có giá 44,42 triệu đồng/lượng (bán ra). So với ngày vía Thần Tài 2019, giá vàng miếng tăng 7,35 triệu đồng/lượng.

Đến năm 2021, ngày vía Thần Tài (21/2/2021) giá vàng SJC ở mức 56,37 triệu đồng/lượng. Còn ngày vía Thần Tài năm 2022 (10/2/2022), kim loại quý này được niêm yết với giá 62,67 triệu đồng/lượng.

Ngày vía Thần Tài năm ngoái (31/1/2023), giá vàng miếng SJC ở mức 67,72 triệu đồng/lượng bán ra.

Rất nhiều người đi mua vàng Thần Tài để lấy may nên sẽ giữ số vàng này đến cuối năm mới đem bán. Theo đó, những người mua vàng vào ngày vía Thần Tài năm 2018 đến cuối năm đem bán sẽ lỗ 0,71 triệu đồng mỗi lượng.

Tuy nhiên, mua vàng ngày vía Thần Tài năm 2019 và bán vào phiên giao dịch cuối năm lãi 5,13 triệu đồng/lượng; năm 2020 lãi 11,13 triệu đồng/lượng; từ năm 2021-2023 lãi lần lượt là 4,38 triệu đồng/lượng, 3,23 triệu đồng/lượng và 3,28 triệu đồng/lượng.

Còn nếu giữ vàng mua trong ngày vía Thần Tài từ năm 2018 đến nay (16/2/2024), sẽ có mức lãi khoảng 9 triệu đồng đến 39,56 triệu đồng mỗi lượng, tuỳ năm mua.

Giá quanh đỉnh cao 79 triệu, dân chen chúc mua vàng trước ngày vía Thần Tài

Giá quanh đỉnh cao 79 triệu, dân chen chúc mua vàng trước ngày vía Thần Tài

Giá vàng hôm nay biến động, dao động quanh mốc 79 triệu đồng/lượng. Tại các tiệm vàng, hai ngày nay người dân chen chân mua vàng trước ngày vía Thần Tài.
Giá cao chót vót, ngày vía Thần Tài nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC?

Giá cao chót vót, ngày vía Thần Tài nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC?

Nhiều người giữ thói quen mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài. Giá vàng đang cao chót vót, nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC để đảm bảo vừa được may mắn lại giảm thiểu rủi ro khi giá biến động?
'Ôm' 400 tấn vàng cất két, vía Thần Tài 2024 là ngày nào để đi mua vàng cầu may

‘Ôm’ 400 tấn vàng cất két, vía Thần Tài 2024 là ngày nào để đi mua vàng cầu may

Dù đã “ôm” tổng cộng khoảng 400 tấn vàng cất trong két, nhưng rất nhiều người vẫn thích mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài. Vậy, vía Thần Tài 2024 là ngày nào để đi mua vàng cầu may mắn tài lộc.