Từ đó, nhiều ý kiến nói rằng điều này thật đáng tiếc, bởi lẽ nhiều người Việt thay vì bỏ tiền mua sách để đọc mở mang kiến thức thì lại tiêu xài hoang phí vào những thứ khác, như nhậu nhẹt, cà phê, quần áo, điện thoại, thậm chí bài bạc…
Phải đọc nhiều sách?
Có ý kiến cho rằng thống kê nêu trên là một biểu hiện cụ thể về sự xuống cấp của văn hóa đọc. Cũng từ đây, có người băn khoăn tương lai của đất nước sẽ ra sao nếu tiếp tục có những thế hệ không chịu đọc sách?
Trước hết, nếu so sánh về số tiền mua sách thì có thể rất khập khiễng, bởi giá bán sách ở mỗi nước không giống nhau, tùy thuộc vào mức sống và điều kiện in ấn, phát hành của nước đó. Chẳng hạn, thu nhập bình quân của người dân châu Âu cao gấp chục lần so với thu nhập của người Việt, mức sống của họ cũng đắt đỏ hơn nước ta nhiều lần. Vì vậy, mức chi tiêu cho sách của họ có cao gấp nhiều lần người Việt cũng không có gì lạ.
Các bạn trẻ chọn mua sách tại Đường sách TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, ở Việt Nam, các nhà xuất bản đều thuộc nhà nước, bên cạnh yếu tố kinh doanh thì còn có yếu tố phục vụ nên giá bán sách phải tương quan với mặt bằng giá cả chung và phải góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, ở nước ta, người bán sách cũ, hiệu bán sách cũ không ít, giá cả nhìn chung khá rẻ, với mức 2 USD (khoảng 50.000 đồng) có thể mua được vài cuốn. Với một người bình thường, mỗi năm đọc hết số sách đó là điều rất quý.
Đọc hết một cuốn sách mỗi năm cũng có thể xem là điều rất đáng khích lệ. Trong mỗi chúng ta, thử nhớ lại lần gần nhất đọc sách là lúc nào? Lần gần nhất chúng ta đọc hết một cuốn sách là lúc nào, hay lần gần nhất ta thấy say sưa hoặc thú vị với một cuốn sách là lúc nào?… Vì vậy, dù chi tiêu ít cho sách nhưng nếu chọn được một cuốn sách tốt, có ích, có ý nghĩa thực sự thì cũng rất đáng quý, chứ không nhất thiết phải đọc nhiều sách.
Nhìn rộng hơn, với nhiều người, trong đời chỉ cần có vài cuốn sách thật sự tâm đắc, học được những điều cần thiết ở một vài tác giả, thì còn hơn đọc nhiều sách nhưng không nhớ được điều gì có ích, không thấy có ý nghĩa gì thực tế.
Ta cũng thấy có những người gần như chẳng mua sách nhưng vẫn hay đọc sách. Họ đọc sách mượn từ bạn bè, người quen, thư viện… Một số người hay “tăm tia” tủ sách của người quen để chờ có cuốn nào hay thì mượn, đọc một cách say sưa, hăm hở; thậm chí, đoạn nào hay thì chép lại, chụp lại, kể cả photocopy nguyên cuốn nếu như không tìm được cuốn sách mới bán ở nhà sách.
Cũng có người vì yêu quý sách mà đôi khi “quên trả” sách. Có khi một số bạn sinh viên cũng hay làm thế với những cuốn sách hay mà mình không thể tìm ở bất kỳ đâu, đi photocopy thì tốn tiền… Bởi vậy, một trong những yêu cầu đối với sinh viên năm cuối nhận bằng tốt nghiệp là hoàn thành nghĩa vụ… trả sách đối với thư viện.
Quan trọng là cách chọn sách
Dù vậy, liên quan đến việc chi tiêu đối với sách, cũng cần nhìn ở một khía cạnh khác rất đáng chú ý. Đó là có không ít người mua nhiều sách, tức là chi tiêu nhiều cho sách nhưng không đọc hoặc chỉ đọc rất ít. Một số người sẵn sàng mua những cuốn sách đắt tiền, những tựa sách đang gây đình đám, những tác giả đang hút dư luận, dĩ nhiên thường là những cuốn sách được trình bày đẹp, sang trọng, bắt mắt. Họ mua sách có khi để đọc thực sự nhưng vì không có thời gian hoặc chỉ đọc ít trang thì thấy không còn hào hứng nên không đọc nữa.
Cũng có khi họ mua chỉ để có được quyển sách đó, thành ra làm một việc như là chơi sách chứ không phải mua sách để đọc. Ngoài ra, một số người mua sách không nhằm đọc ngay mà để lúc nào thật rảnh mới đọc hoặc chỉ để tra cứu khi cần. Dù có đọc hay không, có đọc hết sách mình mua hay không, họ cũng là người yêu sách. Một người yêu sách dù sao cũng rất đáng quý, bởi sách không chỉ mang giá trị tri thức mà còn có giá trị văn hóa, không chỉ mang giá trị giải trí mà còn có giá trị nhân văn.
Tuy nhiên, cũng có người chẳng bao giờ mua sách, chẳng bao giờ đọc sách. Quả thật, họ có thể bỏ ra nhiều tiền để mua sắm, tiêu xài cá nhân nhưng trong các khoản chi tiêu đó không hề có sách. Họ không yêu quý sách, không ham đọc sách. Họ có thể nhận thấy sách rất có ích nhưng thà tiếp cận kiến thức kiểu khác chứ không đọc sách.
Vì những người này không hào hứng với sách, không có thói quen đọc sách nên mỗi khi cầm cuốn sách lên là… buồn ngủ. Thành ra, sách trở thành thứ có thể coi là để “gối đầu giường”, tức là để sẵn trên đầu giường, khi nào khó ngủ thì vớ lấy một cuốn đọc chữ để ngủ – xin lưu ý, đọc chữ chứ không phải đọc sách.
Bên cạnh đó, còn có những người đọc sách nhưng cách họ chọn sách, cách họ tiếp thu điều trong sách thì thà không đọc còn tốt hơn. Họ đọc thứ không đáng gọi là sách hoặc tuy cũng là sách nhưng nội dung vô bổ, tầm phào, lại chứa đựng những điều sai quấy, nguy hiểm. Người xưa gọi đó là “độc thư”, tức là “sách độc”, càng đọc thì nó càng hại người đọc hơn. Khi đó, tiêu tiền cho loại sách này quả là “lợi bất cập hại”!
Ta phải xem xét người Việt chi tiêu ít cho sách nhưng sự chi tiêu ấy thực sự có cần thiết không, có hợp lý không, điều đó mới quan trọng, chứ không nhất thiết chỉ dựa vào số tiền bỏ ra mua sách.