Buổi sáng mùa hè, Nguyễn Duy Khánh, học sinh lớp 8 nhà ở Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội ngủ dậy lúc 8h. Sau bữa sáng, em sẽ bắt đầu ngồi làm bài tập từ 8h30 cho đến giờ ăn trưa. Từ khi nghỉ hè đến giờ, lịch hoạt động trong ngày chỉ có thay đổi chút xíu giờ thức dậy buổi sáng từ 6h thành 8h và được nghỉ ngày cuối tuần, còn lịch học và làm bài vẫn giữ nguyên.
“Sáng cháu làm bài tập, chiều 2,4,6 học Toán, còn lại học Văn, tối học tiếng Anh hoặc bố mẹ kèm thêm. Nói chung lịch cũng không khác bình thường mấy”, Khánh kể.
Mùa hè, những đứa trẻ sau cánh cửa
Sở dĩ lịch hè không khác trong năm học, thậm chí bố mẹ tham gia kiểm tra bài vở hằng ngày theo Khánh là bởi năm học tới em sẽ vào lớp 9. Kỳ thi tuyển vào 10 với vô vàn khó khăn, khắc nghiệt đang chờ phía trước.
Dù cũng mệt nhưng theo lời mẹ Khánh việc học trước và hoàn thành kiến thức kì 1 trong hè sẽ giúp thời điểm bước vào năm học đỡ vất vả hơn và em có nhiều thời gian ôn luyện các dạng đề thi hơn.
Vũ Huy Hùng, hàng xóm và là bạn học với Khánh cũng có lịch trình không kém. Hai bạn hàng xóm nhưng rất ít có thời gian chơi cùng nhau chỉ vì lịch học và lớp học thêm khác nhau. Hùng không bị bố mẹ kiểm tra bài nhưng em khá mệt mỏi bởi những thay đổi liên tục của mẹ.
“Năm tới em thi vào 10 nên mẹ cho đi học thêm suốt, mẹ cứ vài hôm lại đổi giáo viên một lần và nói với em rằng đi học thử đi, xem có tốt hay không, thực sự rất mệt nhưng cũng phải cố thôi”, Hùng phân trần.
Về quê chơi trọn vẹn một tuần được xem như niềm vui cũng là mong ước lớn nhất của Hùng vào mỗi mùa hè. Nhưng năm nay, cả niềm vui ấy cũng không thể thực hiện vì đứa em họ ở quê giờ này vẫn đang tập trung ôn thi để vào được một trường chuyên của tỉnh. Thi thoảng hai anh em họ lại kết nối với nhau qua Zalo. Phía đầu bên kia, em họ Hùng vẫn đang cặm cụi xử lí nốt phiếu luyện trước giờ vào lớp ôn cuối giờ sáng.
Việc học thêm, học trước không chỉ diễn ra phổ biến với học sinh cuối cấp. Nguyễn Thanh Thảo, học sinh một trường THPT trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội năm nay lên lớp 11. Nghỉ hè với em chỉ đơn giản thay cho việc đến trường là những lớp học thêm Toán, Văn và luyện IELTS chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học sau 2 năm nữa. Chưa mùa hè nào trong đời Thảo được nghỉ trọn vẹn 3 tháng, thường chỉ khoảng hai tuần để rồi sau đó lịch học ở trung tâm hay ở nhà giáo viên kín mít.
“Thực ra em cũng đã quen với lịch học thêm mùa hè rồi. Học trước thì vào năm còn có thời gian học môn khác chứ nếu chờ vào năm học cùng lúc các môn thì rất khó và mệt. Nếu được tự do với thời gian hè, chắc em thích nhất được đi học làm bánh hoặc làm hoa”, Thảo bộc bạch.
Mùa hè với học sinh, đặc biệt học sinh ở đô thị hầu như đều sau cánh cửa và ở góc độ nào đó mang dáng dấp của học kì 3 với việc học trước kiến thức trước khi vào năm học mới. Và dù có lệnh cấm dạy thêm học thêm thì theo cách nào đó, các trung tâm, các gia sư vẫn đáp ứng nhu cầu học dạy trước, học trước của phụ huynh với con em mình.
Con học thêm hè để củng cố kiến thức và “trông trẻ”
Học sinh trên cả nước đã nghỉ hè được gần một tháng. Ngành giáo dục về cơ bản đã yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè.
Ngay từ đầu tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã gửi công văn hướng dẫn tổ chức các hoạt động hè năm 2023, trong đó có nhấn mạnh nội dung dạy thêm học thêm, chỉ trừ lớp 9 và lớp 12 ôn luyện đến thời điểm thi xong cũng dừng. Trên thực tế, theo ông Nguyễn Lựu, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, phụ huynh nhiều địa bàn vẫn tìm cách cho con em học thêm bởi nhiều lí do như củng cố kiến thức, ôn luyện trước hoặc có cả lí do để “trông trẻ”.
“Cũng có một số gia đình nhà ở gần thầy cô gửi gắm nhờ kèm cặp, không mang tính chất dạy thêm thu tiền, hoàn toàn tự nguyện và bởi lẽ đó không vi phạm quy định của cơ quan quản lí nhà nước”, ông Lựu cho biết.
Ông Bế Đoàn Trọng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho rằng hầu hết các địa phương đều đã có công văn hướng dẫn các nhà trường trong việc không tổ chức dạy thêm học thêm và nên tranh thủ thời gian mùa hè cho con em tham gia các hoạt động trải nghiệm, nâng cao thể lực hoặc rèn luyện thêm các kĩ năng mềm.
“Chúng ta đã có đề nghị thầy cô phải được nghỉ hè, học sinh phải được nghỉ hè, đã có văn bản tựu trường sớm nhất ngày nào, không có chuyện dạy trước học trước, hướng dẫn cuối năm bao giờ cũng có”, ông Trọng chia sẻ.
Việc ở đô thị không có đủ không gian cho trẻ vui chơi, giải trí hoặc làm thêm phụ giúp gia đình khiến 3 tháng hè trở thành nỗi lo lắng cho nhiều phụ huynh. Đặc biệt khi mạng xã hội, trò chơi điện tử dễ khiến trẻ sa đà, ảnh hưởng tới thị lực, đến nhu cầu trải nghiệm cuộc sống thực. Phụ huynh cũng lo con hao hụt kiến thức khi bước vào năm học mới. Vì vậy, cho con đi học thêm hè trở thành lựa chọn của nhiều phụ huynh.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Chính, chuyên viên tâm lý học đường tại Trường phổ thông liên cấp Sentia, để con chơi dài hoặc ép học thêm triền miên đều bất ổn.
Ở thái cực để trẻ nghỉ hoàn toàn một lèo cho đến khi vào năm học có thể gây nên trạng thái sốc, không dễ thích nghi và thoải mái với việc học tập trên lớp khi vào năm học.
Ở chiều hướng ngược lại, sau một năm học nhiều áp lực, nếu tiếp tục chồng thêm áp lực học tập, bài vở sẽ khiến trẻ không có được hứng thú, thậm chí chán nản.
Mùa hè, theo TS tâm lý Nguyễn Thị Chính, cân bằng được xem như điều cần thiết nhất. Thời điểm này lí tưởng để các con có thể được trải nghiệm được học tập những thứ khác mà thời gian trong năm học các con không có điều kiện để tham gia như du lịch, tham gia hoạt động trải nghiệm, về quê thăm ông bà, họ hàng, trải nghiệm cuộc sống nông thôn, tập luyện một vài môn thể thao… Những hoạt động này một mặt nhằm phát triển kỹ năng sống, hoàn thiện thêm những phẩm chất năng lực, mặt khác tăng cảm xúc cá nhân, tăng cường thể lực.
Điều quan trọng, cha mẹ và các con cần phải có một mục tiêu rõ ràng và cũng cần phải biết quản lý thời gian, không thể để ngày qua ngày, các dự kiến cứ trượt đi. Có những bạn mà mình biết rằng mùa hè, cả ngày nằm ngủ hoặc là chơi trò chơi điện tử rất lãng phí thời gian, TS Nguyễn Thị Chính chia sẻ.
Một điều theo TS. Chính, các phụ huynh đặc biệt lưu ý đến sức khỏe tinh thần tâm lý của con. Không hiếm trường hợp vì bố mẹ ép buộc con cái học quá nhiều dẫn tới những nhiễu loạn tâm lý nghiêm trọng.
Kể cả với những học sinh cuối cấp cũng cần có sự cân bằng, chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng, một sức khỏe đầy đủ để ôn luyện căng thẳng thay vì cố gắng nhồi nhét thật nhiều. Khi một tinh thần thoải mái, một cơ thể khỏe mạnh sẽ khiến việc học tập, thi cử trở nên hiệu quả, TS Nguyễn Thị Chính nhấn mạnh.
Ý Dịu(VOV 2)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo