Tin mới y tế ngày 12/7: Mù mắt và hoại tử do tiêm filler làm đẹp
Tiêm filler để làm đầy trán lõm và nâng ngực, 2 người phụ nữ phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một người trong tình trạng mù mắt, người còn lại thì nhiễm trùng, hoại tử cả hai ngực.
Biến chứng nặng vì lỡ thời gian vàng
PGS-TS.Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu 2 trường hợp tai biến nghiêm trọng do tiêm filler làm đẹp, trong đó có 1 người tiêm ở nước ngoài.
Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang khám chữa bệnh cho người dân. |
Chị Đ.T.N (30 tuổi, Hà Tĩnh) hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản. Cách đây ít ngày, để có vầng trán đẹp, chị tiêm filler vào trán và thái dương tại một cơ sở spa tại Nhật Bản. Khi mới tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa.
Ngay lập tức chị được tiêm thuốc giải nhưng vẫn cảm thấy khó chịu, nôn nao không đỡ. Chị có đến bệnh viện kiểm tra, được bác sĩ khám và không can thiệp, cho về nhà theo dõi.
Ngày hôm sau chị thấy mắt phù nề, sưng đỏ, tiếp tục đến bệnh viện để cấp cứu, lúc đó mắt đã không còn nhìn thấy rõ. Nhận thấy tình trạng chuyển biến nặng rất nhanh, gần như mù toàn bộ, chị quyết định đặt vé trở về Việt Nam.
Nữ bệnh nhân đến khám tại đến Bệnh viện Mắt Trung ương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Theo PGS.Hà, đây là ca tai biến rất nặng và bệnh nhân đến viện muộn (sau 6 ngày tiêm filler), gây biến chứng đến hệ mạch máu của mắt, dẫn đến mất thị lực mắt phải, kèm dấu hiệu hoại tử cơ và tổ chức quanh nhãn cầu.
Do người bệnh đã bị lỡ mất “thời gian vàng” nên để phục hồi thị lực là cực kỳ khó khăn. Các bác sĩ đã can thiệp bằng phương pháp hiện đại nhất để giúp cô gái tìm thấy ánh sáng.
Sau 6 ngày can thiệp mạch, mắt phải của nữ bệnh nhân mới có chuyển bến nhẹ, đã có thể vận động nhãn cầu nhẹ nhàng theo yêu cầu của bác sỹ. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải điều trị lâu dài và có hồi phục được thị lực hay không vẫn còn khó khăn.
Trường hợp thứ hai phải nhập viện cấp cứu cùng thời điểm là chị N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam). Chị này vào viện trong tình trạng bị áp xe hai bên ngực do tiêm filler nâng ngực
Trước đó, qua mạng xã hội, chị T. thấy một thẩm mỹ viện quảng cáo phương pháp tiêm filler nâng ngực nhanh chóng, hiệu quả nên đã tìm đến. Sau tiêm, chị thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên sưng đau.
Sau 3 năm tiêm filler, chị đã đến bệnh viện để làm gói tầm soát ung thư. Tại đây, các bác sĩ nói ngực không rõ có ung thư hay nhân xơ, mà có các khối u filler.
Chị T. muốn sinh thêm em bé nhưng do không xác định được chất đã được bơm vào ngực chị lúc trước, nên bác sĩ khuyên chị làm phẫu thuật lấy các khối filler, nhưng phải làm ở bệnh viện tuyến trung ương.
Tuy nhiên, chị T. lại tìm tới thẩm mỹ viện để hút filler. Sau can thiệp hút filler, chị T. có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, vì quá đau đớn và lo sợ chị mới tới Bệnh viện Việt Đức.
PGS-TS.Nguyễn Hồng Hà cho biết, chị T. đến viện trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, được chẩn đoán áp xe ngực với các khối u filler khắp 2 tuyến vú, có khả năng vi khuẩn đã xâm nhập qua các lần tiêm và hút filler.
Biểu hiện sốt rét run của chị T. báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, filler rởm, filler nhập lậu rất nhiều trên thị trường, chị em muốn làm đẹp nhưng lại không đến cơ sở y tế được cấp phép, mà chọn spa, thẩm mỹ viện hoạt động tiêm filler trái phép để thực hiện các thủ thuật.
Khi người tiêm filler không phải là bác sỹ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ và nhất lại chỉ là nhân viên spa tiêm filler thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao.
Lúc đó, người bệnh có nguy cơ mù loà, hoặc tắc mạch não gây đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, do các cơ sở trái phép thực hiện tiêm filler nên dụng cụ không được khử trùng theo đúng quy định, dẫn đến vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, áp xe, hoại tử, thậm chí tử vong bởi đã có trường hợp bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.
Do vậy, khi làm đẹp, chị em phải đến các cơ sở y tế uy tín, được cấp phép, có bác sĩ chuyên môn thực hiện, mới đảm bảo an toàn.
Liên tiếp xảy ra các ca tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TP.HCM đã liên tiếp xảy ra nhiều ca tai biến nghiêm trọng sau phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó nhiều nhất là hút mỡ bụng.
Chẳng hạn, theo Sở Y tế TP.HCM, Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Diva Sài Gòn đã có hàng loạt các sai phạm. Và Sở này đã có văn bản thông báo về việc đình chỉ hoạt động của Phòng khám thẩm mỹ Diva Sài Gòn đồng thời chuyển hồ sơ đến Công an TP.HCM để điều tra làm rõ.
Hay một cơ sở khác là Bệnh viện Răng hàm mặt thẩm mỹ Paris (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) để phẫu thuật hút mỡ bụng và cắt da thừa. Đến 1h sáng 5/7, bệnh nhân khó thở, đau ngực, ho khan… và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với tình trạng suy hô hấp, tổn thương cấp tính phế nang mao mạch phổi (ARDS) nghi thuyên tắc mỡ.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân giãn thân động mạch phổi, tăng áp phổi, tổn thương phế nang, đông đặc lan tỏa 2 phổi theo dõi viêm, tràn dịch màng phổi 2 bên lượng ít, xẹp thụ động nhu mô phổi kế cận. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) điều trị.
Bệnh nhân T.H.A (SN 1999, ở Cần Thơ) ngày 5/7 đi hút mỡ bụng tại Phòng khám The Beauty (quận 1). Sau khi thực hiện, bệnh nhân thấy mệt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng nhiều. Bệnh nhân đã đến Bệnh viện An Bình nhưng chuyển biến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 5h49 ngày 6/7.
Lúc nhập viện, bệnh nhân tỉnh, da niêm nhợt, khối bầm tím sưng nề thành bụng trái lan ra sau lưng; 3 vết mổ 1 cm vùng bụng ra máu thấm gạc và một vết mổ vùng lưng. Bệnh nhân được chẩn đoán choáng giảm thể tích – tụ máu thành bụng, hậu phẫu ngày thứ nhất hút mỡ bụng.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy tụ máu trong mô dưới da thành bụng trái, có dấu thoát mạch không rõ nhánh động mạch bên trong tụ dịch, khí trong mô dưới da thành bụng trái; Tụ dịch, thâm nhiễm mỡ mô dưới da thành bụng phải.
Trước đó, sáng 29/6, nữ bệnh nhân V.T.H (sinh năm 1977, ở Khánh Hòa) đến khám tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn với ý muốn được giảm mỡ và da thừa vùng bụng.
Lúc 12h cùng ngày, bệnh nhân được bác sĩ T.T.N.P gây mê nội khí quản và được bác sĩ H.Q.H thực hiện phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần kết hợp hút mỡ bụng. Sau hơn 4h thực hiện phẫu thuật, đến 17h ngày 29/6, bệnh nhân được rút nội khí quản, chuyển sang Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ để điều trị tiếp.
Hơn 1 ngày sau mổ, bệnh nhân than mệt, khó thở, diễn tiến nặng dần. Người bệnh được chuyển đến BV Chợ Rẫy. Sau khi được can thiệp cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã tạm ổn định trở lại.
Được biết, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000-35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỷ lệ 14%.
Do đó để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng khuyến cáo, khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, người dân nên chọn phòng khám chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, có phòng mổ với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, sẽ hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật thẩm mỹ…
Sở Y tế TP.HCM đề nghị người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh không phép hoặc các thông tin quảng cáo các dịch vụ về y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,… có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-127-mu-mat-va-hoai-tu-do-tiem-filler-lam-dep-d219834.html