EVN vi phạm chỉ đạo, điều hành cung ứng điện
Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương vừa công bố chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan.
Đó là chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện, làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cho rằng việc điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.
EVN cũng bị quy trách nhiệm để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6/2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất – kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều nguyên nhân chi tiết về thiếu điện thời gian vừa qua. Đặc biệt, việc các nguồn điện chậm trễ đầu tư, xây dựng là một trong những lý do quan trọng nhất khiến miền Bắc trải qua thiếu điện vừa qua. Nhiều sự cố các tổ máy phát điện kéo dài gây ảnh hưởng đến cung cấp điện.
Nhiều ngân hàng sai phạm trong cho vay, bán nợ xấu
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017.
Kết luận cho thấy, việc thực hiện phương án tái cơ cấu được duyệt còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Các chỉ tiêu định lượng đăng ký trong phương án như tăng vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, niêm yết trên sàn chứng khoán… nhưng thực tế, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không đạt trong các chỉ tiêu đó.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần vi phạm vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Việc khắc phục vi phạm về sở hữu chéo, góp vốn, mua cổ phần tuy có giảm nhưng vẫn còn trường hợp khắc phục chậm.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu mà các ngân hàng bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) không đáp ứng điều kiện theo quy định, ảnh hưởng đến mệnh giá trái phiếu đặc biệt sử dụng để vay tái cấp vốn. Có những khoản nợ xấu không được các ngân hàng chuyển nhóm nợ, dẫn đến sai lệch về tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng.
Nhiều ngân hàng sai phạm trong cho vay, tập trung vào số ít khách hàng. Đơn cử, Sacombank cho 9 doanh nghiệp vay dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, tiền đổ vào một dự án. Techcombank cho khách vay mua trụ sở ngân hàng khác, hồ sơ thực là khách chỉ đi thuê.
‘Ông lớn’ xây dựng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính
Trong kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính khi thực hiện việc sắp xếp, cổ phần hóa tại các tổng công ty.
Theo đó, qua thanh tra về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại 10 công ty mẹ – tổng công ty cho thấy, vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lý với số tiền (tạm tính) đến thời điểm thanh tra (31/12/2019) là hơn 5.690 tỷ đồng.
Thanh tra việc xác định giá trị một số tài sản, nhà cửa, vật kiến trúc trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá cho thấy, một số tài sản được xác định giá trị chưa chính xác, thấp hơn quy định, làm giảm giá trị doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại các tổng công ty: Xi măng Việt Nam (Vicem), Licogi, Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền hơn 1.879 tỷ đồng.
Một số tổng công ty dù thực hiện thoái vốn nhà nước nhưng vẫn còn các khoản đầu tư ngoài ngành, không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, có nhiều rủi ro thua lỗ với số tiền khoảng 147 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều tổng công ty không cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu đất đai theo đề nghị của địa phương.
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra, việc thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty có nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoạt động không hiệu quả, thường xuyên thua lỗ kéo dài nhưng các tổng công ty không có phương án xử lý triệt để, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tài chính tại Vicem.
Về khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng việc xử lý và nộp khoản tiền chênh lệch 2.910 tỷ đồng của Tổng công ty Vicem, chênh lệch trăm tỷ đồng tại Vicem Hải Phòng.