Trước khi Thế chiến II bùng nổ, giới văn học nói chung chống khuynh hướng Quốc xã. Thời hậu chiến đã đem lại nhiều đề tài mới, nhưng mãi lâu về sau, nhiều tài năng mới được khẳng định.
Copenhagen, Đan Mạch. |
GIAI ĐOẠN VĂN HỌC HIỆN ĐẠI
Văn học hậu chiến (sau 1945)
Trước khi Thế chiến II bùng nổ, giới văn học nói chung chống khuynh hướng Quốc xã. Thời gian Đức chiếm đóng từ 1940 là một đòn chí tử đánh vào những gì còn lại của lòng tin vào tiến bộ, văn hóa và lý tưởng. Thời hậu chiến đã đem lại nhiều đề tài mới, nhưng mãi lâu về sau, nhiều tài năng mới được khẳng định.
Thơ những năm 40 và 50: Những năm chiến tranh, mọi người cảm thấy một cuộc khủng hoảng văn hóa. Một số nhà thơ vẫn sáng tác theo truyền thống, viết những vần thơ có âm điệu, giản dị, buồn buồn. Khuynh hướng thi ca chung, đại diện bởi nhóm báo Heretica (Dị giáo, 1948-1953), đi ngược chiều với dòng thơ duy lý và duy vật của thập kỷ 30, thể hiện lo âu, tuyệt vọng.
M. Neilsen (1922-1944) theo kháng chiến và chết yểu. Thơ ông điển hình cho một thế hệ trẻ mất hết ảo tưởng nhưng sẵn sàng hy sinh cho tự do.
H. Rasmussen (sinh năm 1915), làm thơ kháng chiến. Sau chiến tranh, giọng thơ ông cay đắng, hoài nghi và cuối cùng hài hước.
O. Sarvig (sinh năm 1921) làm thơ với cảm xúc vũ trụ, gắn với hội họa trừu tượng. Tiểu thuyết của ông gần phái “tiểu thuyết mới” Pháp hoặc tiểu thuyết trinh thám.
Th. Bjornvig (1918-2004) cảm thấy bí mật của tình yêu và Ân chúa là con đường giải thoát ra khỏi hỗn mang và bất định. Ông đã canh tân thơ tình.
O. Wivel (sinh năm 1921) xuất bản báo Heretica. Ông nói lên nỗi lo âu của con người hiện đại và sau hướng về Phúc Âm – ông chịu ảnh hưởng thơ Đức.
F. Jaeger (1926-1977) làm thơ và viết tiểu thuyết, văn phong hài hước và phóng túng.
Văn xuôi những năm 50: Trái với thơ có nhiều biến động, văn xuôi vẫn theo truyền thống của những năm 30. Có một khuynh hướng gây không khí huyền thoại.
W.A. Linneman (sinh năm 1914) là một người có tài kể chuyện. Bộ tiểu thuyết ba tập của ông bắt chước phong cách “truyện lãng mạn”, miêu tả con người châu Âu ngày nay qua những truyện kể cho nhau trong hầm trú ẩn.
A. Dam (1889-1972) viết truyện về chủ đề đã từng được Blixen đề xuất: nhân loại phải thực hiện chính mình trong quan hệ với số phận.
Khuynh hướng hiện thực được thể nghiệm, gắn với chủ nghĩa hiện đại châu Âu.
V. Sorensen (sinh năm 1929) viết phê bình và truyện triết lý mùi vị hiện sinh, chịu ảnh hưởng Kafka Thomas Mann, mà vẫn nhuần nhuyễn truyền thống Bắc Âu. Ông được giải thưởng phê bình năm 1997.
P. Seeberg (sinh năm 1925) kể một cách chính xác những “truyện ngụ ngôn” biến diễn trong đất nước Đan Mạch thanh bình.
L. Panduro (1923-1977) đưa ra một nhân vật điển hình bị phân thân do bị gắn vào dĩ vãng, lo âu những ước lệ và khuôn thước cứng nhắc của xã hội.
Sân khấu và thơ thập kỷ 60: Thơ những năm sau chiến tranh nói lên sự bất lực và nỗi lo sợ, tìm lối thoát trong cảm xúc vũ trụ và siêu hình. Những năm 50, thơ dần dần chuyển sang hiện thực xã hội. Những năm 60, khuynh hướng ấy mạnh hơn (kịch hiện thực của Panduro, thơ ngoại cảnh nhiều hơn, thơ thể nghiệm).
Kịch của E. Bolsen (sinh năm 1923) được hoan nghênh nhất. Ông kết hợp hiện thực và phóng túng, phê phán những vấn đề chủ yếu của xã hội tư bản, như kỹ nghệ giải trí, nhào nặn dư luận, chủ nghĩa phát xít mới…
Thơ đầu những năm 60 mang tính trữ tình hiện đại, chấp nhận xã hội phúc lợi và thương nghiệp hóa.
K. Riebjerg (sinh năm 1931) là một tài năng đa dạng, tự khẳng định trong thơ, báo chí, điện ảnh, tiểu thuyết và sân khấu.
I. Malinovski (sinh năm 1926) chịu ảnh hưởng những nhà thơ Thụy Điển, ông theo lập trường cách mạng tả khuynh. S. Sonne là nhà thơ miêu tả những viễn cảnh lịch sử và huyền thoại, từ những thời xưa, trên những mảnh đất xa lạ.
Nhà phê bình và nhà thơ J.G. Brandt (sinh năm 1929), đề cao nghệ thuật vì nghệ thuật và hướng về thần bí.
B. Andersen (sinh năm 1929) viết thơ chân dung con người tha hóa độc thoại.
Văn xuôi hiện đại: Thập kỷ 60 là một cột mốc. Thế hệ này chịu ảnh hưởng Tiểu thuyết mới của Pháp (tiểu thuyết không cốt truyện, không phân biệt giữa tác giả và nhân vật).
S.A. Madsen (sinh năm 1939) viết tiểu thuyết, qua đó dần dần những tư tưởng chính trị và xã hội xuất hiện. Điều này cũng dễ nhận thấy ở S. Holm (sinh năm 1940), ông kết hợp chủ nghĩa hiện sinh với chủ nghĩa xã hội. Văn xuôi và thơ của C. Bodker (sinh năm 1927) có khuynh hướng huyền thoại. Nhà thơ và nhà viết tiểu thuyến nữ V. Ryun (sinh năm 1937) miêu tả một thế giới bí mật, lẫn lộn giữa hiện thực hàng ngày và mộng ảo. D. Willumsen (sinh năm 1940) kể chuyện huyền ảo, siêu thực, tả cuộc sống bị tha hóa. Bà được giải thưởng văn học năm 1997 của Hội đồng Bắc Âu.
Khuynh hướng hiện thực mới: Vào khoảng năm 1965, Thorkild Hansen (1927-1989) đã báo hiệu khuynh hướng này bằng những sáng tác dựa vào tư liệu lịch sử.
Tác giả “hiện thực mới” viết nhiều và nổi tiếng nhất là A. Bodelsen (sinh năm 1937). Tiểu thuyết của ông kể chuyện với một phong cách khách quan về xã hội phúc lợi. Ông đề cập đến những vấn đề thời sự chính trị và kinh tế, viết kiểu tân văn nên rất hấp dẫn.
C. Kampmann (sinh năm 1939) cũng phân tích phê phán lối sống giai cấp trung lưu, nhưng đi sâu vào tâm lý nhiều hơn.
H. Stangerup (sinh năm 1937) là nhà báo, nhà điện ảnh và nhà phê bình. Vấn đề ưu tiên của ông là mặt trái của xã hội phúc lợi hiện đại. Ông vạch trần một cách châm biếm sự dối trá của báo chí.