Quả ổi là trái cây nhiệt đới quen thuộc và trở thành món tráng miệng ưa thích với nhiều gia đình. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn chưa biết lá ổi, búp ổi cũng là thảo dược quý, đặc biệt là với người thừa cân, mắc tiểu đường hoặc bệnh lý tim mạch… Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ lá ổi và búp ổi.
Các bài thuốc chữa bệnh từ lá ổi và búp ổi
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Chu Văn Tiến cho biết, tùy từng trường hợp bệnh lý mà dùng dược liệu cho phù hợp.
Lá ổi
– Chữa viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính: Lá ổi non, sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 6g, ngày 2 lần.
Hoặc dùng bài: Lá ổi tươi, 1 nắm, rửa sạch, vò nát, gừng tươi 6g, 1 ít muối ăn. Các nguyên liệu cho lên chảo nóng, sao chín, rồi cho vào sắc với 300ml nước, còn 150ml, chia làm 3 phần uống trong ngày.
– Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa: Lá ổi 30g, tây thảo 30g, hồng trà 12g, gạo tẻ sao thơm 30g. Các nguyên liệu sắc với 1000ml nước, đun lửa nhỏ đến khi còn 500 ml nước. Thêm vào 1 ít đường trắng và muối hạt. Chia làm 2 – 3 phần uống trong ngày. Thuốc dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
– Trẻ em đại tiện lỏng dùng bài: Lá ổi tươi 30g, rau diếp cá 30g, xa tiền thảo 30g. Sắc lấy nước, chia uống trong ngày.
– Thổ tả dùng bài: Lá ổi, lá sim, lá vối và hoắc hương lượng bằng nhau, sắc hoặc hãm với nước sôi uống.
– Chữa sa trực tràng: Lá ổi tươi 1 nắm, rửa sạch, ngâm nước muối. Đun với 200ml nước, dùng nước ngâm rửa hậu môn. Sử dụng hàng ngày. Có thể kết hợp dùng quả ổi khô sắc uống
– Trị mụn nhọt: Lá ổi non hoặc búp ổi, lá đào non, lượng bằng nhau, rửa sạch, ngâm nước muối, để ráo nước. Giã nát, đắp vào nơi tổn thương 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước lạnh. Thực hiện ngày 1 -2 lần.
– Trị rôm sảy, mẩn ngứa: Lá ổi nấu nước tắm hàng ngày đến khi khỏi.
Búp ổi
– Thuốc cầm tiêu chảy: Búp ổi 20g, búp vối 12g, búp (nụ) sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g, sắc đặc uống trong ngày.
– Tiêu chảy do tỳ vị hư yếu: Lá búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g, sắc cùng 600 ml nước, còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày.
– Tiêu chảy do hàn dùng 1 trong số bài thuốc sau:
+ Búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ, hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày.
+ Búp ổi hay lá ổi non 20g, vỏ quýt khô 10g, gừng tươi 10g nướng chín, sắc với 250 ml nước, còn 120ml, uống khi thuốc còn nóng.
+ Búp ổi 60g, nụ sim 8g, riềng 20g, ba thứ sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g, chiêu thuốc với nước ấm.
+ Búp ổi 15g, trần bì 15g và hoắc hương 18g, sắc uống trong ngày.
Các lưu ý trong việc sử dụng lá ổi
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, tuy có nhiều lợi ích, tác dụng tốt đối với sức khỏe, nhưng khi sử dụng lá ổi, bạn cũng cần lưu ý tới các vấn đề sau:
– Chỉ sử dụng lá ổi với tần suất vừa phải. Việc quá lạm dụng lá ổi có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc gây ra tình trạng dị ứng.
– Người bị bệnh chàm cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng lá ổi bởi các chiết xuất có trong lá ổi có thể gây kích ứng da.
– Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng lá ổi nếu bạn đang mắc phải các bệnh mãn tính tim mạch, loãng xương, các bệnh lý liên quan đến thận.
– Dùng lá ổi trong thời gian điều trị bằng thuốc tây có thể làm giảm các tác dụng của thuốc.
Nguồn: https://vtcnews.vn/mot-so-bai-thuoc-chua-benh-tu-la-oi-va-bup-oi-ar906348.html