Tổng thống Nga Putin vừa có cuộc nói chuyện trực tiếp hiếm hoi với một nhà lãnh đạo EU – Thủ tướng Hungary Viktor Orban, khi cả hai tới Trung Quốc tham dự Diễn đàn Vành đai và con đường.
Một thành viên châu Âu cố cứu vãn quan hệ với Nga, EU tính sử dụng ‘con bài’ mặc cả. Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tái khẳng định mối quan hệ trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn Vành đai và con đường tại Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc gặp diễn ra tại Nhà khách chính phủ nơi Tổng thống Putin lưu trú, trước khi tham dự Diễn đàn BRF của Trung Quốc lần thứ ba. Tổng thống Nga Vladimir Putin và “đồng minh thân cận nhất” của ông trong số các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) – Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tái khẳng định cam kết đối với quan hệ song phương trong bối cảnh căng thẳng quốc tế về cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine.
Khá khác biệt với các thành viên trong khối, Hungary là quốc gia đã phản đối nhiều sáng kiến của EU nhằm hỗ trợ Ukraine chống lại Nga và vẫn đang nhận phần lớn dầu thô và khí đốt từ Moscow – “chưa bao giờ muốn chống lại Nga, mà ngược lại đang cố gắng cứu vãn các mối liên hệ song phương trong bối cảnh căng thẳng quốc tế ngày càng gia tăng”, Thủ tướng Orban đã nói với Nhà lãnh đạo Nga Putin bên lề Diễn đàn ở Bắc Kinh.
Đáp lời, Tổng thống Nga đã nói với ông Orban rằng:“Trong điều kiện địa chính trị hiện nay, cơ hội duy trì liên lạc và phát triển quan hệ rất hạn chế, tuy nhiên, ông hài lòng khi mối quan hệ với một số nước châu Âu vẫn được giữ vững và phát triển. Một trong những quốc gia này là Hungary”.
So với các thành viên EU khác, Hungary xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Thành viên châu Âu này hiện được coi là “đối thủ tiềm năng quan trọng” trong một quyết định dự kiến diễn ra vào tháng 12 – về việc có nên mở các cuộc đàm phán gia nhập EU đối với Kiev hay không? Bởi vấn đề này đòi hỏi sự ủng hộ và đồng thuận của cả 27 thành viên trong khối.
Trong khi đó, EU đang cân nhắc thỏa hiệp với Hungary để thông đường viện trợ cho Ukraine. Trong nỗ lực giành được sự chấp thuận của Budapest về viện trợ thêm cho Kiev và cả việc bắt đầu mở các cuộc đàm phán gia nhập khối, các quan chức cấp cao cho biết, Brussels đang xem xét giải ngân hàng tỷ Euro bị phong tỏa trong các quỹ phục hồi và phát triển dành cho cho Hungary do lo ngại tính độc lập về tư pháp.
Được biết, khoản viện trợ được đưa ra thảo luận ước tính khoảng 13 tỷ Euro (13,6 tỷ USD), có thể giúp Thủ tướng Orban cải thiện phần nào tình trạng kinh tế trì trệ và thâm hụt ngân sách mà quốc gia của ông đang gặp phải.
Chính vì mối quan hệ thân thiết với Nga nên Hungary bị coi là rào cản lớn nhất đối với hai quyết định quan trọng của EU là đàm phán về tư cách thành viên liên minh cho Kiev và yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp nhiều hơn vào quỹ chung của khối, nhằm tăng cường viện trợ cho Ukraine. Và việc xem xét giải ngân nói trên là nỗ lực mới nhất của EU nhằm đổi lại “cái gật đầu” của Budapes. Cả hai vấn đề quan trọng trên dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào cuối năm 2023.
Trong một phản hồi qua email cho Reuters, Quản lý báo chí của Thủ tướng Orban, Bertalan Havasi, cho biết, Nhà lãnh đạo Hungary và Tổng thống Nga Putin đã thảo luận về việc vận chuyển khí đốt, dầu và các vấn đề năng lượng hạt nhân.
Theo hợp đồng năm 2014 được trao mà không cần đấu thầu, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosatom của Nga đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Hungary.
Ông Havasi cho biết, Thủ tướng Orban đã một lần nữa nhấn mạnh rằng, “điều quan trọng đối với châu Âu, bao gồm cả Hungary, là chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Nga và cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như ngăn chặn dòng người tị nạn.
Hai nhà lãnh đạo Putin và Orban đã có cuộc nói chuyện trực tiếp gần nhất vào ngày 1/2/2022, trong một cuộc gặp kéo dài vài giờ ở Moscow, đúng ba tuần trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Trong một tin liên quan năng lượng Nga, mới đây hai quốc gia châu Âu khác là Đức và Anh tin rằng, ngay cả khi Moscow kết thúc xung đột ở Ukraine và thậm chí có sự thay đổi chế độ, mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Nga sẽ không được khôi phục.
Tại Diễn đàn Tình báo Năng lượng ở London, ngày 18/10, Đại sứ Đức tại Anh Miguel Berger phát biểu “Đây là mối quan hệ đã kết thúc”.
Theo Bloomberg, châu Âu đã cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Khu vực này đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu than và dầu từ Nga vào năm ngoái. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cũng giảm đáng kể, với việc đường ống Nord Stream ban đầu bị Nga dừng lại, sau đó bị phá hủy do các vụ nổ dưới biển Baltic.
Hiện tại, Nga đóng góp chưa tới 10% nguồn cung năng lượng cho khu vực so với hơn 1/3 trước xung đột.
Đối với Vương quốc Anh, đó không phải là một thay đổi lớn vì Nga chỉ cung cấp 4% lượng khí đốt và 9% lượng dầu vào năm 2021.
Nhưng đối với Đức, đây là một biến động lớn, tước đi khoảng một nửa nguồn cung cấp khí đốt của quốc gia này. Bởi vậy, tình hình “rất thách thức” vì giá khí đốt cao đang tạo áp lực cho chính phủ Đức và ngành công nghiệp của nước này.