Đây là nơi duy nhất ở TP.HCM triển khai nghiên cứu và chuyển giao nhiều mô hình nông nghiệp độc đáo như: Nuôi cua trong hộp nhựa, nuôi tảo xoắn trong ống...
Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (huyện Củ Chi, TP.HCM) là một trong những đơn vị đi đầu về nghiên cứu, thực nghiệm và chuyển giao những mô hình nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.
Tại đây, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao được các kỹ sư nghiên cứu, điều chỉnh và sản xuất thành phẩm. Nhiều mô hình đã được chuyển giao cho nông dân, HTX… đạt hiệu quả cao.
Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Q.D
Theo Kỹ sư Võ Văn Nhân - Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, đối với môi trường nuôi trong hộp nhựa, để cho ra tỷ lệ lột từ 90-95% thì có 3 yếu tố chính, đó là về nguồn giống, kỹ thuật nuôi và nguồn nước.
Nguồn nước đầu vào sử dụng nước biển với độ mặn từ 8-15‰ và sau đó được lắng và lọc trước khi được thả vào mô hình nuôi.
Kỹ sư Võ Văn Nhân đang theo dõi sự phát triển của cua. Ảnh: D.Q
“Nguồn nước là yếu tố quan trọng hàng đầu để thành công trong nuôi thủy sản. Nuôi cua lột cũng không ngoại lệ, để cua sinh trưởng tốt và đạt năng xuất cao, nông dân cần chọn con giống có kích cỡ phù hợp và chất lượng tốt”, Kỹ sư Nhân cho biết.
Nuôi cua lột đang có tiềm năng phát triển ở nước ta khi sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nuôi cua lột trong hộp nhựa băng hệ thống tuần hoàn đang được nhân rộng, nhờ giảm thiểu phủ rò và giúp nông dân đạt năng suất hiệu quả kinh tế cao khi áp dụng đúng theo quy trình của mô hình này.
Cua nuôi trong hộp nhựa chủ động được độ mặn của nước và dinh dưỡng nên chất lượng thịt tương đương cua tự nhiên. Ảnh: D.Q
Cà chua bi trồng trên giá thể trong nhà màng
Ngoài mô hình này, tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM còn triển khai mô hình cà chua bi trồng trên giá thể trong nhà màng cho năng suất cao.
Điểm tiến bộ của mô hình này là cây cà chua được trồng trong nhà màng, không dùng đất và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cũng được kiểm soát khép kín bên trong nhà màng.
Mô hình trồng cà chua bi trong nhà màng cho năng suất tốt. Ảnh: Q.D
Theo các chuyên gia, mô hình này quan trọng nhất là yếu tố dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây cà chua so với trồng ngoài đất. Trong các yếu tố dinh dưỡng, cây cà chua hút nhiều nhất là kali, đạm và ít nhất là lân. Suốt chu kỳ sinh trưởng của cây cà chua để tạo ra một tấn quả, nông dân cần bón vào đất 7,9kg kali; 3,8kg đạm và 0,6kg lân.
Hệ thống tưới tự động được cắm vào chậu giá thể. Ảnh: Q.D
Với cà chua trồng trên giá thể trong nhà màng, dung dịch dinh dưỡng và nước được công cấp đồng thời thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ kiểm soát hệ thống tưới nhỏ giọt, mô hình trồng cà chua bi trong nhà màng đem lại sự chủ động cho người chăm sóc, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Từ đó, giúp sản phẩm cà chua khi đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất.
Trồng tảo xoắn Spirulina trong hệ thống ống kính ứng dụng công nghệ IoT
Ngoài ra, tại Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao còn đang triển khai mô hình trồng tảo xoắn Spirulina trong hệ thống ống kính ứng dụng công nghệ IoT.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên giới thiệu về mô hình trồng tảo xoắn Spirulina trong hệ thống ống kính. Ảnh: D.Q
Hệ thống này tạo ra môi trường sạch, khép kín với hệ thống ống thủy tinh tuần hoàn nước ngọt đã qua xử lý. Hệ thống đèn được bố trí bên ngoài ống giúp tảo có ánh sáng quang hợp. Trong ống thủy tinh, tảo Spirulina chuyển động theo dòng nước liên tục để phát triển. Sau khoảng 2 tuần, người nuôi sẽ căn cứ bằng màu sắc và đo mật độ tảo để tiến hành thu hoạch bằng cách dừng hệ thống tuần hoàn. Khi đó tảo sẽ lắng xuống đáy ống thủy tinh.
Hiện tại mô hình trồng tảo xoắn Spirulina trong hệ thống ống kính vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện. Ảnh: Q.D
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên - Đại diện nhóm nghiên cứu, tảo sau thu hoạch được sấy thăng hoa thành dạng rắn, có thể phối trộn với các nguyên liệu khác làm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… giúp tăng giá trị của tảo thay vì làm thực phẩm ăn thông thường.
Tảo xoắn Spirulina có giá trị cao trong ngành dược liệu. Ảnh: D.Q
Ngày 6/8/2004, UBND TP.HCM ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao trực thuộc UBND Thành phố với mục tiêu phát triển nông nghiệp Thành phố theo hướng đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Ngoài mô hình trên, tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM còn có nhiều mô hình khác, nhằm nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi mới; đánh giá chất lượng giống. Ảnh: Q.D
Nơi đây có 4 trung tâm trực thuộc gồm Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Khai thác hạ tầng và Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM (thứ 2 từ trái sang) tham quan phòng lab chuyên sản xuất phôi giống hoa lan tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Q.D
Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM có 4 chức năng chính, gồm: Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho TP.HCM và các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay và thực hiện theo Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tác động, hỗ trợ, hình thành một chuỗi khu nông nghiệp cao trong khu vực phía Nam cũng như cả nước; ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong tình hình hiện nay, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong đô thị.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-noi-o-tp-hcm-nuoi-con-dac-san-trong-hop-nhua-trong-rau-cuc-pham-trong-ong-to-mo-lam-luon-20250219190230929.htm
Bình luận (0)