* Bài viết dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Tốt nghiệp ra trường năm 2016, lần đầu tiên “ra mắt” thủ trưởng cơ quan tập sự cũng là lần đầu tiên tôi uống trà. Ly nước trà thật hấp dẫn, màu nước xanh xanh, vàng vàng tự nhiên, khói nóng bốc lên, phảng phất một mùi thơm như cốm.
Hình ảnh bộ ấm trà bằng sứ va vào nhau lách cách, các ông, các bác quây quần nói chuyện đời không còn xa lạ với tôi. Thế nhưng, hồi đó, tôi chưa từng uống hết một ly trà, chỉ nhấm một tí ở đầu lưỡi rồi kêu ca: “Sao chát quá!”.
Thủ trưởng pha trà mời một sinh viên mới ra trường, tôi cần phải uống tử tế để thể hiện sự kính trọng với cấp trên. Ngụm đầu tiên, tôi cảm thấy nóng và đắng. Ngụm thứ hai, tôi cảm nhận hậu vị của trà có chút gì đó ngọt ngọt. Tôi vẫn tỉnh táo để tiếp chuyện thủ trưởng thì đến ngụm thứ ba, không hiểu sao tôi thấy đầu hơi choáng váng, tim đập nhanh, bụng cồn cào.
Tôi cố tỏ ra bình tĩnh sau khi đã thực hiện quy tắc “3 ngụm trà”. Thủ trưởng châm ly thứ hai cho tôi, cũng là lúc cuộc trò chuyện sắp kết thúc. Vì không muốn để thừa ly trà, tôi đã uống một ngụm cho hết rồi chào ra về. Lúc này, mắt tôi hoa lên. Sau hôm đó, tôi biết mình bị “say trà” do cơ địa không hợp với các chất có trong trà.
Câu chuyện của tôi nhanh chóng truyền khắp cơ quan. Thủ trưởng nhìn tôi cười, lắc đầu: “Tập uống dần đi là vừa cháu à! Uống trà là văn hoá của người Việt Nam đấy!”.
Từ đó, tôi tập uống trà như trẻ con tập ăn dặm. Ban đầu pha loãng, uống ít, rồi từ từ nâng “độ khó” lên. Đến bây giờ, tuy không uống trà được nhiều như mọi người nhưng tôi vẫn có thể tiếp khách bằng ly trà một cách nồng hậu, chân tình.