Thời điểm này, người trồng hoa cúc tết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất việc xuống cây giống. Bà con đang tích cực chăm sóc, chong đèn điện xuyên đêm “bắt hoa thức” để bảo đảm hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Gia đình ông Võ Duy Tùng (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã xuống giống 850 chậu hoa cúc tết lớn nhỏ phục vụ thị trường Tết.
Ông Tùng cho hay, khoảng 1 tuần sau khi xuống giống, người trồng hoa bắt đầu tưới nước, bón phân và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng xuyên đêm để hoa không “ngủ”.
Kỹ thuật chong đèn điện cho cây hoa cúc tết này được gia đình ông áp dụng trong quá trình trồng, chăm sóc hoa, giúp duy trì ánh sáng liên tục và kích thích sự phát triển của cây hoa cúc.
Nhờ vào nguồn ánh sáng ổn định, các chậu hoa luôn nhận đủ năng lượng để quang hợp, phát triển và nở hoa đúng thời điểm.
Bên cạnh đó, ông Tùng luôn chịu khó cập nhật kiến thức và những kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng vườn hoa. Nhờ chăm sóc tỉ mỉ từ khi xuống giống đến lúc xuất bán, những năm gần đây, vườn hoa của gia đình ông luôn được thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng hoa tết, ông Trần Cường (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, việc áp dụng kỹ thuật chiếu sáng bằng ánh đèn điện cho hoa vào ban đêm sẽ giúp cây phát triển chiều cao từ 60 – 80 cm, bông hoa to, cánh dày, có màu sắc rực rỡ và tươi lâu hơn.
Ngược lại, nếu trồng hoa tết theo phương pháp thông thường, không sử dụng ánh sáng của đèn điện, ngọn cây sẽ không vươn cao và chỉ đạt chiều cao khoảng 40 cm, đồng thời hoa sẽ không nở đúng thời điểm mà nhà vườn mong muốn.
Người trồng hoa cúc tết ở các địa phương của tỉnh Đắk Lắk thắp bóng điện chiếu sáng (chong đèn) để điều tiết quá trình sinh trưởng của cây, để cây hoa cúc nở đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Năm nay, gia đình ông Cường trồng 1.000 chậu hoa cúc pha lê, trong đó có 400 chậu cỡ lớn và 600 chậu loại nhỏ. Trước kia, vườn hoa tết của gia đình ông thường gặp tình trạng hoa nở không đúng dịp tết.
Tuy nhiên, những vụ hoa gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn điện ban đêm, ông đã điều chỉnh được thời gian hợp lý để cây ra hoa đồng loạt.
“Việc đầu tư hệ thống đường dây và bóng đèn có hơi tốn kém, nhưng một lần bỏ ra có thể sử dụng được nhiều năm. Đặc biệt, kỹ thuật chong đèn xuyên đêm giúp vườn hoa của gia đình tôi đều và đẹp hơn, từ đó lợi nhuận thu về cũng cao hơn”, ông Cường chia sẻ.
Thời điểm này, tại vườn hoa tết của anh Phan Trần Quốc Sơn (phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), hàng trăm bóng đèn được giăng kín, tạo nên khung cảnh lung linh, sáng rực trên những ruộng hoa.
Anh Sơn cho hay, để điều tiết sự sinh trưởng của cây, anh sử dụng loại bóng đèn có công suất nhỏ từ 10 – 20W. Trung bình, cứ 3 hàng chậu/luống hoa sẽ được bố trí từ 5 – 6 bóng đèn, cách nhau khoảng 1,5 – 2 m và treo cao hơn 1 m so với chậu hoa.
Thời gian thắp sáng cho hoa thường bắt đầu từ 20 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Khi hoa đến giai đoạn làm nụ, anh sẽ ngừng chong đèn để bảo đảm hoa nở đúng dịp tết. Thời điểm này rất quan trọng, quyết định thành bại của người trồng hoa.
Ngoài việc phục vụ cho sự sinh trưởng của cây hoa cúc tết, anh Sơn đang lên kế hoạch tạo thêm những điểm “check in” thú vị trong vườn hoa của mình khi chăng đèn vào ban đêm.
Qua quan sát, anh nhận thấy khi hệ thống đèn được bật lên, khung cảnh lung linh, rực rỡ của ánh đèn đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Vì vậy, anh sẽ bố trí các khu vực chụp ảnh để người dân có thể tham quan và thoải mái sáng tạo ra những bức ảnh đẹp.
“Mùa hoa tết năm nay, bên cạnh việc xuống giống loại hoa cúc pha lê như mọi năm, tôi cũng mạnh dạn trồng thử một ít giống cúc mâm xôi để phục vụ nhu cầu chơi hoa của người tiêu dùng. Hy vọng, thời tiết năm nay sẽ thuận lợi, giúp bà con có một vụ mùa bội thu và một cái tết ấm no, đủ đầy”, anh Sơn bộc bạch.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-canh-dong-trong-hoa-cuc-tet-o-dak-lak-bat-chot-den-dien-sang-choang-dan-bat-cay-thuc-ca-dem-20241102234414488.htm