Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) diễn ra ngày 8/10 dưới sự chủ trì của Tổng thống Liên bang Nga V. Putin cùng Nguyên thủ các nước SNG. Sự kiện được báo chí các nước khu vực và phương Tây rất quan tâm, theo dõi và đánh giá về vai trò của SNG và Nga trong không gian hậu Xô Viết hiện nay.
Lãnh đạo các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tại Hội nghị Moscow, ngày 8/10. (Nguồn: News Centre Asia) |
Tạo luồng sinh khí mới
Dấu ấn nổi bật nhất của Hội nghị thượng đỉnh SNG tại Moscow lần này là nguyên thủ các nước SNG đã tề tựu đông đủ tại thủ đô Moscow, bất chấp những diễn biến ngày càng căng thẳng xoay quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh chưa tìm được tiếng nói đồng thuận.
Hình ảnh các nhà lãnh đạo SNG cùng nhau dạo chơi, tham quan trên các con phố Moscow vào tiết trời se lạnh cuối thu được đăng tải đậm nét trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga cho thấy Hội nghị lần này là cơ hội tốt để lãnh đạo các nước tìm ra tiếng nói chung nhằm tăng cường hợp tác trong khối và giải quyết những vấn đề nổi cộm trong khu vực.
Hội nghị đã thông qua Thông điệp gửi nhân dân các nước SNG và cộng đồng thế giới nhân dịp kỷ niệm 80 năm Chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941–1945. Thông điệp kêu gọi người dân các nước SNG và các dân tộc trên thế giới ngăn chặn sự hồi sinh của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa quân phiệt và các mưu toan gây ra một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Đồng thời, các nguyên thủ SNG cũng đã nhất trí thông qua Công ước về địa vị pháp lý của các phái đoàn được gửi đến các nước SNG và sửa đổi Hiệp ước về tìm kiếm người xuyên bang ngày 10/12/2010; Chương trình hợp tác trong lĩnh vực phi cực đoan hóa giai đoạn 2025–2027; Tuyên bố về phát triển hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vì mục đích dân sự. Mặc dù các văn kiện này không liên quan đến những lĩnh vực hợp tác trọng yếu trong SNG nhưng đây là một nỗ lực đáng khen ngợi của nước chủ nhà Nga trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới và khu vực hết sức phức tạp và khó lường hiện nay.
Tại Hội nghị, nước Nga nhận được sự ủng hộ chân thành và thân thiện từ các nước SNG như Kazakhstan, Azerbaijan… Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố: “Chúng ta phải bảo vệ Khối thịnh vượng chung của mình và vì những mục đích này, hãy thực hiện các biện pháp hiệu quả nhất để củng cố niềm tin lẫn nhau, kiềm chế các cuộc tấn công chỉ trích công khai ở cấp nguyên thủ quốc gia”. Nhà phân tích tài chính và kinh tế Nga Alexander Razuvaev cho rằng, phát biểu của Tổng thống Kazakhstan là “một cuộc tấn công nhẹ nhàng đối với Thủ tướng Armenia Pashinyan, người đã đưa ra những tuyên bố rất gay gắt chống lại Tổng thống Belarus”, cũng như cách ứng xử trong quan hệ với Moscow.
“Những làn gió ngược” trong Hội nghị
Theo hãng thông tấn Armenpress (Armenia), Yerevan đã từ chối ký thông qua hai tuyên bố chung tại hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao SNG, diễn ra một ngày trước Hội nghị các nhà lãnh đạo SNG.
Tuyên bố đầu tiên tập trung vào các nguyên tắc hợp tác nhằm đảm bảo an ninh ở khu vực Á-Âu, và kêu gọi “thích ứng cấu trúc hợp tác Á-Âu trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa, cũng như các lĩnh vực khác với xu hướng đa cực trên thực tế”. Tuyên bố thứ hai về việc không chấp nhận sử dụng các biện pháp hạn chế đơn phương trong quan hệ quốc tế, khuyến nghị các quốc gia thành viên kiềm chế không áp dụng, mở rộng hoặc thực hiện các biện pháp như vậy.
Một số hãng tin phương Tây cho rằng việc Armenia từ chối không thông qua hai tuyên bố chung nói trên phản ảnh mức độ căng thẳng ngày càng tăng giữa Nga và Armenia sau nhiều động thái chống Moscow của quốc gia này. Hiện tại, quan hệ giữa Nga-Armenia đã và đang ở trạng thái “rơi tự do”, xuống mức “thấp nhất trong lịch sử hai nước” kể từ năm 2022, khi Armenia tẩy chay hầu hết các phiên họp của SNG và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).
Tờ Politico (Mỹ) nhận định mặc dù là đồng minh truyền thống của Nga trong nhiều thập kỷ, nhưng Armenia đang chuyển hướng về phương Tây để tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới sau khi cáo buộc Moscow đã không làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh tháng 9/2023. Armenia cũng đã bắt đầu cung cấp các loại vũ khí từ thời Liên Xô cho Ukraine. Vào cuối tháng 9 năm nay, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan đã “bóng gió” về khả năng Armenia liên kết với Tehran trục xuất lực lượng Nga ra khỏi biên giới Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran.
Các nhà phân tích chính trị phương Tây nhận định mặc dù hết sức nỗ lực vận động các ‘đồng minh chủ chốt trong SNG” nhưng ngoài những tiếng nói ủng hộ của Belarus, Kazakhstan và Azerbaijan về việc kỷ niệm 80 năm Chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đẩy mạnh tuyên truyền tiếng Nga và văn hóa Nga trong không gian SNG … Nga cũng đã không thuyết phục được lãnh đạo nhiều nước SNG “bênh vực” mình trong cuộc xung đột tại Ukraine. Bên cạnh đó, Mowcos cũng không có được sự ủng hộ của tất cả trong việc phê phán các chính sách cấm vận toàn diện của Mỹ và phương Tây đối với Nga hiện nay và tìm những cách thức phù hợp và hiệu quả để thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, đầu tư trong khuôn khổ SNG thời gian tới.
Nguyên thủ 10 nước SNG tề tựu tại thủ đô Moscow, ngày 8/10. (Nguồn: News Centre Asia) |
Những nỗ lực của Kazakhstan
Tổng thống Kazakhstan Jomart-Kassym Tokayev khẳng định tại Hội nghị: “Cộng đồng các quốc gia độc lập đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi là một tổ chức khu vực hiệu quả, đóng góp đáng kể vào quá trình hợp tác và phát triển toàn cầu” và nhấn mạnh quyền lực của tổ chức trên trường thế giới đang ngày càng tăng. Tổng thống Jomart-Kassym Tokayev lưu ý rằng đối với Kazakhstan, việc tăng cường hơn nữa tiềm năng của SNG với tư cách là một tổ chức quốc tế có thẩm quyền được thành lập trên cơ sở của Tuyên bố Alma-Ata năm 1991 là một ưu tiên tuyệt đối và ông đề xuất thiết lập định dạng SNG+.
Nhà phân tích Alexander Razuvaev cho rằng, sắp tới Mông Cổ sẽ tham gia định dạng SNG+, còn Gruzia sẽ quay lại SNG vì mối quan hệ giữa Gruzia và Nga đã trở nên rất nồng ấm và họ luôn có quan hệ rất tốt với Azerbaijan về đầu tư…
Cũng tại Hội nghị lần này, Tổng thống Tokayev đề xuất triển khai Chương trình “Hội chợ Khối thịnh vượng chung”, trong khuôn khổ các sự kiện thương mại sẽ được tổ chức hàng năm tại nhiều thành phố khác nhau của các nước SNG với sự tham gia của các nghệ nhân và nông dân từ toàn khu vực Á-Âu. Ông Tokayev cho biết Kazakhstan sẵn sàng tổ chức Hội chợ này lần đầu tiên tại một trong những thành phố lâu đời nhất ở Kazakhstan là Taraz, nơi từng là ngã ba quan trọng của Con đường tơ lụa huyền thoại.
Liên quan duy trì ổn định và an ninh khu vực Á-Âu, Kazakhstan hoan nghênh các bước đi chung của Azerbaijan và Armenia nhằm ký kết Hiệp định hòa bình và vui mừng ghi nhận tiến bộ đáng kể trong việc phân định biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan. Tổng thống Kazakhstan tuyên bố sẵn sàng cung cấp “sân chơi” cho các cuộc đàm phán về các cuộc xung đột trong không gian hậu Xô Viết. Ông Alexander Razuvaev cho rằng, không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ có các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Astana.
Nhiều nhà phân tích chính trị ở Trung Á cho rằng, những nỗ lực của Kazakhstan trong vai trò làm “trung gian hòa giải” cho các cuộc xung đột ở khu vực và trên thế giới thời gian qua trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, SNG, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Kinh tế Á-Âu, Tổ chức về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Tổ chức các nước nói tiếng Thổ đã và đang tăng cường tiếng nói và uy tín của nước này, biến Kazakhstan trở thành “cường quốc bậc trung” có ảnh hưởng quan trọng trong chương trình nghị sự của khu vực và thế giới hiện nay.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-sng-moscow-moi-quan-tam-den-a-au-dang-tang-len-289880.html