Tại tọa đàm, các chuyên gia thảo luận về áp dụng những tiến bộ y khoa trong quản lý bệnh thận mạn và chẩn đoán, kiểm soát bệnh ở giai đoạn sớm, giúp ngăn ngừa hậu quả của căn bệnh này.
Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển, kéo dài. Các triệu chứng của bệnh tiến triển chậm. Trong giai đoạn tiến triển, các triệu chứng gồm: chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật.
Hiện nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận mạn là đái tháo đường, tăng huyết áp và viêm cầu thận. Đa số bệnh nhân mắc bệnh thận mạn có các bệnh đồng mắc và tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như suy tim, suy thận và tử vong. Ở giai đoạn sớm, suy thận khó được phát hiện.
Theo ước tính của Hội Lọc máu VN, VN có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại VN.
Khảo sát và thống kê năm 2022 cho thấy, tỷ lệ lưu hành người điều trị thay thế thận (chạy thận nhân tạo) là 430,1 người/1 triệu dân (ước tính khoảng hơn 43.000 bệnh nhân điều trị thay thế thận), bao gồm thận nhân tạo (82,5%), lọc màng bụng (4,4%), và ghép thận (13,1%). Tỷ lệ bệnh nhân thận nhân tạo mới là 59,6 người/1 triệu người mỗi năm (tương đương mỗi năm VN có thêm khoảng gần 6.000 bệnh nhân mới). Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân thận nhân tạo là 25,6 bệnh nhân/1 triệu người mỗi năm.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cùng thảo luận về kết quả các thử nghiệm lâm sàng lớn về kiểm soát bệnh thận mạn được công bố trên thế giới. Trong đó thử nghiệm lâm sàng toàn cầu khảo sát tác dụng của thuốc mới cho thấy hiệu quả giảm 39% nguy cơ tiến triển của bệnh và giảm 31% nguy cơ tử vong trên các đối tượng mắc suy thận. Sau 20 năm, các nghiên cứu về lĩnh vực này đã đưa ra giải pháp mới trong việc quản lý bệnh thận mạn từ lúc bệnh còn ở giai đoạn sớm.