Những vụ việc học sinh bị ngộ độc do sử dụng đồ uống phát miễn phí, kẹo chứa chất cấm từ người lạ đã khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.
Những vụ việc học sinh bị ngộ độc do sử dụng đồ uống phát miễn phí, kẹo chứa chất cấm từ người lạ đã khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.
Nỗi lo thường trực
Tình trạng mất an toàn thực phẩm trước cổng trường học dù đã được cơ quan chức năng chấn chỉnh và siết chặt vẫn diễn ra phổ biến, đặt ra bài toán đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Nhà trường, phụ huynh và học sinh cần nâng cao ý thức tiêu dùng để đảm bảo sức khỏe thế hệ tương lai.
Thức ăn đường phố, bao gồm quà vặt cổng trường, nhiễm khuẩn như E.coli. |
Hàng quán vỉa hè trước cổng trường học từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học đường. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm mà ít ai chú ý.
Theo số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 70-80% thức ăn đường phố, bao gồm quà vặt cổng trường, nhiễm khuẩn như E.coli – vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột.
Đặc biệt, thực phẩm chứa hóa chất, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… có thể tích tụ trong cơ thể, dẫn đến bệnh mãn tính và ung thư.
Những món ăn này thường được chế biến sơ sài với nguyên liệu không rõ nguồn gốc, dầu chiên tái sử dụng nhiều lần, quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Người bán thường dùng tay trần tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, bảo quản sơ sài, không che đậy, khiến đồ ăn dễ bị nhiễm khuẩn từ bụi bẩn và côn trùng.
Dạo một vòng qua các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội không khó để bắt gặp các xe hàng lưu động bày bán các món ăn như xúc xích, nem chua rán, phô mai que, chả cá viên chiên, bánh kẹo, đồ uống.
Những món ăn này có giá rất rẻ, chỉ 3.000-8.000 đồng mỗi phần. Để thu hút học sinh, người bán sử dụng phẩm màu sặc sỡ, tẩm ướp gia vị đậm đà và dùng chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng.
Hậu quả của việc tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc này là không nhỏ. Tại Hà Nội, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngay tại cổng trường học.
Điển hình là sự việc hàng chục học sinh Trường THCS Bình Minh (Thanh Oai) bị đau đầu, đau bụng sau khi uống nước đóng chai phát miễn phí.
Trước đó, học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (Nam Từ Liêm) buồn nôn và đau đầu sau khi ăn loại kẹo lạ. Tại Trường THCS và THPT Hoành Mô (Quảng Ninh), 29 học sinh bị ngộ độc sau khi ăn kẹo mua ở cổng trường.
Thậm chí, một số trường hợp nghiêm trọng hơn đã xảy ra. Một bé trai 5 tuổi phải nhập viện vì ngộ độc ma túy thế hệ mới sau khi ăn loại bánh được hàng xóm tặng. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết mẫu bánh này chứa loại ma túy tổng hợp còn được gọi là “sô cô la bay”.
Phòng cách nào?
Ngoài nguy cơ ngộ độc, việc nhận bánh kẹo, đồ uống từ người lạ còn tiềm ẩn nguy cơ bắt cóc, xâm hại trẻ em. Do đó, phụ huynh cần dạy trẻ cách phân biệt người quen và người lạ, học cách từ chối nhận quà từ người không quen biết. Nếu người lạ cố ép trẻ ăn uống, trẻ cần biết kêu cứu để được giúp đỡ kịp thời.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, TP.Hà Nội đã triển khai kế hoạch “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học” từ tháng 8/2024.
Chính quyền địa phương đang rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học, đồng thời cập nhật danh sách các cơ sở kinh doanh thực phẩm quanh khu vực trường học. Tuy nhiên, vai trò giám sát từ gia đình và nhà trường vẫn rất quan trọng.
Phụ huynh cần giáo dục con nhận biết thực phẩm an toàn, hướng dẫn mang theo đồ ăn nhẹ từ nhà để sử dụng trong giờ ra chơi. Nhà trường cần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ khu vực quanh trường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng, phụ huynh học sinh hiểu rõ nguy cơ từ việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; khi có nghi ngờ sử dụng thực phẩm không an toàn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tiếp tục tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Về phía gia đình, phụ huynh cần hạn chế để con em mình sử dụng đồ ăn, quà vặt không rõ nguồn gốc được bày bán hay phát miễn phí trước cổng trường.
Thay vào đó, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến cho con em ăn uống ở nhà đầy đủ và có thể mang theo các đồ ăn nhẹ để sử dụng trong giờ nghỉ, giờ ra chơi.
Một số chuyên gia khác cũng nhấn mạnh vai trò giáo dục từ gia đình. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo đó, phụ huynh trang bị cho con em kiến thức cơ bản về việc phân biệt thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, nhận diện các địa chỉ uy tín và tránh xa những nơi bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Song song với đó, nhà trường cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Không chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo học sinh và phụ huynh không nên sử dụng thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, các trường học tăng cường giám sát và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Chỉ khi mọi người cùng chung tay, sức khỏe và sự an toàn của trẻ em mới được đảm bảo một cách bền vững.
Nguồn: https://baodautu.vn/moi-lo-ngai-ve-an-toan-thuc-pham-truoc-cong-truong-hoc-d230571.html