Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, ngày 3-12, Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Trẻ tổ chức chương trình “Trò chuyện văn chương Pháp – Việt”. Hơn 100 độc giả đã được lắng nghe nhà văn Nuage Rose Hồng Vân và PGS-TS Phạm Văn Quang chia sẻ nhiều câu chuyện xung quanh mối quan hệ văn chương Pháp – Việt.
Từ lâu, văn chương Pháp đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống văn chương Việt. Nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Pháp như Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Paris, Bá tước Monte Cristo, Bà Bovary, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Đỏ và đen, Hoàng tử bé… với các tên tuổi như Victor Hugo, Flaubert, Stendhal, Jules Verne… đã ăn sâu trong tâm trí nhiều bạn đọc Việt. Về sau, nhiều tên tuổi đương đại của văn chương Pháp cũng được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam như Romain Gary, Marc Levy, David Foenkinos, Guillaume Musso, Michel Bussi…
Đặc biệt, trong dòng chảy của văn chương Pháp tại Việt Nam, không thể không nhắc đến một bộ phận tác giả gốc Việt như Linda Lê, Thuận, Trần Minh Huy. Và nhà văn Nuage Rose (Hồng Vân) là một trong số đó.
Nhà văn Hồng Vân sinh ra ở Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hiện đang sống tại Paris và vẫn thường trở về Việt Nam. Năm 2017, NXB Trẻ ra mắt tác phẩm Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo (được tái bản sau đó một năm). Tác phẩm tự truyện mang màu sắc của một tiểu thuyết kể về những năm tháng rời Hà Nội theo gia đình đi sơ tán. Giữa những u ám, đói khát và sợ hãi mà chiến tranh gieo rắc, là lấp lánh tình yêu. Trước khi được xuất bản ở Việt Nam, Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo trở thành tác phẩm được yêu thích tại Pháp vào năm 2013.
Vào tháng 10-2021, nhà văn Hồng Vân trở lại với tác phẩm văn chương phi hư cấu mới lấy bối cảnh đại dịch Covid-19: 120 ngày – Mây thì thầm với gió. Đây được xem là ghi chép từ cuộc chiến sống còn xua đuổi Covid-19 của chính tác giả.
Trái ngược với tác phẩm đầu tiên được viết bằng tiếng Pháp, đến 120 ngày – Mây thì thầm với gió, nhà văn Hồng Vân sáng tác trực tiếp bằng tiếng Việt, trong nỗ lực “bảo tồn” những từ ngữ, câu chữ đẹp đẽ của Hà Nội cho đến những năm 80 mà ngày nay đã ít nhiều mai một.
“Thực ra, ban đầu khi viết cuốn sách này, tôi đã viết bằng tiếng Pháp. Nhưng rồi sau đó đọc lại, tôi thấy tiếng Pháp mà dịch ra không ổn chút nào, nó sẽ xộc xệch, không nói được hết tâm trạng của mình. Tôi quyết định bỏ và viết trực tiếp bằng tiếng Việt”, nhà văn Hồng Vân chia sẻ.
Dù đã có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả, nhưng nhà văn Hồng Vân vẫn khiêm tốn không nhận mình là nhà văn. Ban đầu, bà cũng không có chủ ý viết để xuất bản sách. “Tôi không phải là nhà văn, không có khả năng viết những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, đầy kỹ thuật mà chỉ viết những câu chuyện bày tỏ tình yêu về gia đình, đất nước”, nhà văn Hồng Vân bày tỏ.
Tại chương trình, PGS-TS Phạm Văn Quang cho biết, hiện có khoảng 180 tác giả người Việt Nam viết khoảng 400 tác phẩm bằng tiếng Pháp. Trong số đó, có ít nhất 50% là thể loại tự thuật, giống như hai tác phẩm của nhà văn Hồng Vân.
Theo ông, vượt ra ngoài văn chương, những tác phẩm này là cuộc đời. Không phải lúc nào người ta cũng đủ can đảm để kể lại cuộc đời của mình, nhất là những góc khuất. Với những tác phẩm thuộc thể loại tự thuật, không chỉ dừng lại ở văn chương mà chúng ta có thể tiếp cận, đọc ở nhiều khía cạnh khác nhau.
“Dựa trên những câu chuyện cá nhân như thế này, giới chuyên môn có thể nghiên cứu lịch sử, trên khía cạnh phân tâm học hay từ góc độ triết học… Ở khía cạnh bạn đọc, không chỉ đọc được cuộc đời của tác giả mà còn đọc được chất vấn của chính mình thông qua những tác phẩm tự thuật. Từ câu chuyện cá nhân như thế, từ một tiểu tự sự sẽ góp phần làm nên những đại tự sự sau này”, PGS-TS Phạm Văn Quang cho biết.
HỒ SƠN