Ấn Độ giữ một vị trí quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả và đáng tin cậy.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh B20 tại thủ đô New Delhi ngày 27/8. (Nguồn: AP) |
Vai trò chủ nhà G20 năm nay của Ấn Độ sẽ tập trung vào việc nêu bật những mối quan ngại của thế giới đang phát triển và New Delhi đã đề xuất Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực của diễn đàn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh điều đó khi phát biểu tại phiên bế mạc Diễn đàn kinh doanh B20, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi vào tháng tới.
“Chúng tôi có tầm nhìn về sự toàn diện và với tầm nhìn đó, chúng tôi đã mời AU trở thành thành viên thường trực của G20”, nhà lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố.
Trước đó, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết: “Khi Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào tháng 12 năm ngoái, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng hầu hết Nam bán cầu sẽ không có mặt tại bàn đàm phán khi chúng tôi gặp nhau”.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu Ấn Độ, “điều này rất quan trọng vì những vấn đề thực sự cấp bách là những vấn đề mà họ phải đối mặt… Và Ấn Độ, bản thân nó là một phần của Nam bán cầu, không thể khoanh tay đứng nhìn và để điều đó xảy ra”.
Chính vì thế, một phần quan trọng của chiến lược đó của Ấn Độ là đưa AU vào nhóm G20.
Cũng tại Diễn đàn B20, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này là “giải pháp” của mọi vấn đề và giữ một vị trí quan trọng trong việc tạo ra một “chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả và đáng tin cậy” sau sự gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Ủng hộ cách tiếp cận bền vững trong kinh doanh, Thủ tướng Modi cho biết các doanh nghiệp toàn cầu nên hiểu rằng bản thân sự bền vững là một cơ hội và một mô hình kinh doanh. Ông lưu ý rằng, các vấn đề sẽ giảm bớt khi lối sống và hoạt động kinh doanh trở nên thân thiện với hành tinh.
Diễn đàn kinh doanh B20 là diễn đàn đối thoại chính thức của G20 với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Được thành lập vào năm 2010, B20 là một trong những nhóm gắn kết nổi bật nhất trong G20, với các công ty và tổ chức kinh doanh là thành viên.
Sự kiện năm nay diễn ra từ ngày 25-27/8, với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu đến từ 55 quốc gia. Chủ đề của sự kiện là “R.A.I.S.E – Các doanh nghiệp có trách nhiệm, tăng tốc, đổi mới, bền vững và công bằng”.
Trong 3 ngày qua, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo kinh doanh và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới thảo luận về các chủ đề như xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, chuyển đổi kỹ thuật số, tình trạng nợ nần mà các nước đang phát triển phải đối mặt và cách đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Thông cáo B20 Ấn Độ bao gồm 54 khuyến nghị và 172 hành động chính sách sẽ được đệ trình lên chính phủ các nước G20.