Với những thay đổi tích cực của ngành y tế Việt Nam, mức độ quan tâm của các công ty Hoa Kỳ, ASEAN ngày càng tăng. Bà Bùi Thị Việt Lâm, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về triển vọng thị trường này.
Bà Bùi Thị Việt Lâm, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) tại Việt Nam |
Thưa bà, xu hướng bao trùm trong đổi mới sáng tạo, cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong và ngoài nước hiện nay là gì và xu hướng đó tác động như thế nào tới thị trường Việt Nam?
Thập kỷ vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ về công nghệ trong khám phá và sản xuất các loại thuốc mới, chủ yếu sử dụng các kỹ thuật công nghệ sinh học mới. Ngoài ra, cơ cấu của ngành đã thay đổi, dẫn đầu là Hoa Kỳ, với sự xuất hiện của hàng ngàn công ty khởi nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, thường được tài trợ bởi vốn mạo hiểm, trọng tâm là phát triển các loại thuốc công nghệ sinh học mới.
Phân khúc này của ngành trở nên quan trọng đến mức, năm 2021, gần 70% tổng số sản phẩm phát minh mới được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt thuộc các công ty nhỏ.
Quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy công nghệ mới này, theo truyền thống, là Hoa Kỳ. Nhưng gần đây, các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực dược phẩm phát minh và mang tính toàn cầu.
Trong những năm gần đây, công nghệ phát triển mạnh trong các lĩnh vực mới, như liệu pháp gene và tế bào, cũng như chỉnh sửa gene. Những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn đang được sử dụng để xác định và phát triển các loại thuốc tiềm năng mới. Đây là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao nhất, đặc biệt với những nước mới tham gia thị trường như Việt Nam.
Với những phát triển gần đây tại Việt Nam, bà đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của các công ty thành viên đối với đổi mới y tế trong nước?
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và có khả năng tăng trưởng hơn 10%/năm trong thời gian tới. Điều này, kết hợp với thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty dược phẩm toàn cầu muốn tận dụng tiềm năng tăng trưởng của thị trường mới nổi.
Là một thị trường mới nổi, Việt Nam có cơ hội để xây dựng ngành dược phẩm bền vững thông qua sự hỗ trợ của các công ty dược phẩm toàn cầu, cũng là thành viên tích cực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN. Với kinh nghiệm chuyên sâu về dược phẩm phát minh, chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và các bên liên quan khác để hỗ trợ phát triển ngành dược phẩm Việt Nam trở thành một ngành mũi nhọn tiềm năng trong phát triển kinh tế cả nước thời gian tới, cũng như mang lại phúc lợi cho người dân trong tương lai.
Trong những năm gần đây, các công ty thành viên của chúng tôi đã và đang thiết lập năng lực sản xuất thuốc tại Việt Nam hoặc hợp tác với các nhà sản xuất trong nước, giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu quy trình và nâng cao năng lực của các nhà sản xuất trong nước. Những tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ tốt nhất cũng được áp dụng thông qua những quan hệ đối tác này.
Để mở ra không gian rộng hơn cho phát triển y tế thời gian tới, ngành cần tập trung vào những yếu tố nào, thưa bà?
Có thể rút ra một số bài học quan trọng từ kinh nghiệm của các quốc gia khác trong khu vực.
Một là, các chính sách bảo vệ công ty địa phương khỏi sự cạnh tranh toàn cầu hoặc tạo ra một sân chơi không bình đẳng trên thị trường nội địa sẽ khiến ngành dược phẩm tập trung vào thị trường trong nước và không có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Hai là, những chính sách không có sự thống nhất giữa các cơ quan chính phủ ảnh hưởng đến lĩnh vực này, đưa ra các tín hiệu trái chiều hoặc tiêu cực đến các nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời những chính sách tích cực (như ưu đãi thuế) dễ dàng bị bù đắp bởi các chính sách khác (như chính sách giá cả và quy định).
Dựa trên những bài học đó, chúng tôi khuyến nghị cần xem xét và cải cách hệ thống định giá và hoàn trả nhằm mang lại những chính sách khuyến khích thị trường hiệu quả cho sự đổi mới trong nước và mở cửa với thị trường nước ngoài, đồng thời khiến công ty Việt Nam trở thành đối tác hấp dẫn hơn để chia sẻ công nghệ.
Nếu không có những cải cách như vậy, những chính sách như ràng buộc việc tiếp cận thị trường của các công ty nước ngoài với việc chuyển giao công nghệ bắt buộc sẽ không hiệu quả.
Ngoài ra, việc kiến tạo môi trường thuận lợi, dễ dự đoán hơn cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm là rất quan trọng. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm địa điểm để đầu tư vào thử nghiệm lâm sàng cũng như sản xuất. Mô hình kinh doanh dược phẩm sinh học tập trung vào trung và dài hạn, nên một môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được là rất cần thiết.
Vấn đề cần được xem xét là, các nhà đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam có cần phải có hoạt động kinh doanh khả thi ở trong nước hay không. Ngoài ra, việc ràng buộc dự án với những yêu cầu như chuyển giao công nghệ hay hợp đồng sản xuất sẽ làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam.
Thực tế, những biện pháp khuyến khích sản xuất không đặt ra điều kiện trước về cam kết chuyển giao công nghệ hoặc các yêu cầu hoạt động kinh doanh khác sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư hơn và khiến họ đưa ra quyết định nhanh hơn.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thuận lợi liên quan xuất nhập khẩu, giấy phép và giấy phép lưu hành sẽ khuyến khích sản xuất và là cần thiết cho hoạt động sản xuất hiệu quả, cạnh tranh.
Ngoài ra, cần thành lập một cơ quan liên bộ để điều phối chính sách công nghiệp dược phẩm nhằm đảm bảo các chính sách nhất quán, không chồng chéo và thực thi hiệu quả.
Nguồn: https://baodautu.vn/mo-rong-khong-gian-cho-doi-moi-y-te-tai-viet-nam-d225767.html