ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG
Khoảng 19 giờ 15 ngày 26.11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã tới sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 – 30.11 theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam – Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2023).
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Nhật Bản lần này là điểm nhấn quan trọng dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. “Chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới thông qua đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng – an ninh đến hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân; đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới, phù hợp với lợi ích của cả hai bên”, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm của Chủ tịch nước góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu, trao đổi mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Ông cho hay với chuyến thăm của Chủ tịch nước lần này, cả bốn vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều đã trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản trong năm 2023. Cạnh đó, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chuyến thăm là sự khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn cùng Nhật Bản phát huy điểm tương đồng về lợi ích vì sự phát triển của mỗi nước cũng như trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực.
MỞ RA TRANG MỚI
Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong 50 năm qua, nhất là 9 năm nâng cấp lên Đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014, đến nay đã đạt được nhiều bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng – an ninh, văn hóa – giáo dục, nông nghiệp, y tế, lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản “đang trong giai đoạn tốt đẹp và mật thiết nhất trong lịch sử, đơm hoa kết trái, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực”. Hai nước luôn coi nhau là đối tác tin cậy, gắn bó chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực…, trong đó hợp tác kinh tế là điểm sáng với rất nhiều thành tựu nổi bật.
Cho rằng chuyến thăm lần này sẽ mở ra trang mới cho quan hệ hợp tác hai bên, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ hai nước thông qua tăng cường hợp tác đầu tư, ODA, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực… qua đó giúp Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam mong muốn hai nước triển khai có hiệu quả chương trình ODA thế hệ mới, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thu hút vốn vay ODA của Nhật Bản trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy hợp tác đầu tư, thu hút vốn đầu tư thế hệ mới, chất lượng cao của doanh nghiệp Nhật Bản; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững của kim ngạch thương mại song phương; phối hợp nâng cao hiệu quả, tận dụng và triển khai các thỏa thuận kinh tế giữa hai bên hoặc hai nước đều là thành viên; tăng cường hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ngoài ra, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước cũng sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đẩy mạnh và đưa hợp tác địa phương, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân đi vào chiều sâu, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình cảm của người dân Việt Nam – Nhật Bản, giúp xây dựng nền tảng vững chắc để triển khai có hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Cùng đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực như LHQ, APEC, ASEAN, Mê Kông…