Giáo dục nhà trường là sự tiếp nối chứ không thể thay thế giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách, đạo đức cho học sinh.
Vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh ngày càng được chú trọng trong các trường học. (Ảnh: Ngọc Lan) |
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Có thể nói, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay có tính thời sự và cấp thiết nhằm tìm ra các biện pháp giáo dục phòng ngừa những hành vi lệch chuẩn.
Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia để cùng “mở lối” giáo dục đạo đức cho học sinh trong thời đại ngày nay.
PGS. TS. Phạm Viết Vượng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Xây dựng ba “chân kiềng” giáo dục
PGS. TS. Phạm Viết Vượng. |
Giáo dục đạo đức là một nội dung quan trọng trong nhà trường, góp phần giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh. Việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay có tính thời sự và cấp thiết. Từ đó, tìm ra các biện pháp giáo dục phòng ngừa những hành vi lệch chuẩn ở học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh (do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi; do nguyên nhân từ phía gia đình; sự phát triển của Internet, mạng xã hội; do cơ chế thị trường, toàn cầu hóa…).
Để ngăn ngừa những hành vi lệch chuẩn của học sinh cần nâng cao năng lực giáo dục gia đình. Ngành giáo dục nên biên soạn các tài liệu về giáo dục gia đình, đạo đức, lối sống truyền thống và hiện đại cho học sinh và phụ huynh tham khảo.
Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Khoa học và thực tiễn đều khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tốt nhất là thông qua giảng dạy các môn khoa học nhằm nâng cao năng lực nhận thức và tư duy độc lập cho các em. Nâng cao chất lượng giảng dạy cac môn khoa học xã hội, đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử… Phối hợp giữa các lực lượng giáo dục, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa ba “chân kiềng”: gia đình – nhà trường – xã hội để giải quyết các tình huống có thể xảy ra với học sinh.
Có thể nói, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần tác động đến cả ba mặt: nhận thức, thái độ và hành vi, giúp các em có đủ kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh tự tin để xử lý mọi tình huống trong quan hệ xã hội. Vì vậy, cần sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức đa dạng, hấp dẫn phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, nhà trường cần phối hợp với gia đình, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương sớm phát hiện những hành vi lệch chuẩn trong và ngoài nhà trường, để cùng tìm ra các biện pháp ngăn chặn, uốn nắn kịp thời.
PGS. TS. Nguyễn Gia Cầu (Tổng biên tập Tạp chí Giáo chức Việt Nam): Tạo “miễn dịch” cho học sinh trước cái xấu
PGS. TS. Nguyễn Gia Cầu. |
Giáo dục đạo đức, lối sống có quan hệ trực tiếp đến việc xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử học đường. Đạo đức, lối sống là cốt lõi của văn hóa. Giáo dục đạo đức, lối sống đúng đắn theo chuẩn mực giá trị cao đẹp xã hội, tạo ra động lực bên trong mỗi học sinh, sinh viên; thôi thúc các em hăng say học tập, tự giác, tích cực tham gia phong trào, tự “đề kháng”, “miễn dịch” đối với cái xấu, cái tiêu cực.
Qua đó, góp phần xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh, giàu tính nhân văn, là nhân tố quyết định, kiến tạo nền tảng của môi trường văn hóa lành mạnh, ứng xử văn hóa trong trường học.
Do vậy, cần thiết thực hơn trong việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình. Đồng thời, gia đình phải quan tâm toàn diện, sâu sắc hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ. Làm sâu sắc, bài bản hơn nữa việc phối hợp giáo dục giữa ba môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ bạo lực học đường; mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa nhà trường và cha mẹ cần được biến đổi theo hướng tích cực.
Mahatma Gandhi – Anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ từng nói: “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt như cha mẹ”. Theo tôi, giáo dục của cha mẹ mới thực sự là quan trọng. Giáo dục của nhà trường chỉ là sự tiếp nối chứ không thể thay thế giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ.
PGS.TS. Trần Đình Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục): Lấy đức làm gốc!
PGS.TS. Trần Đình Tuấn. |
Những năm gần đây, thực trạng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của học sinh đã và đang làm cho dư luận xã hội lo lắng. Số lượng các vụ vi phạm gia tăng, đối tượng vi phạm trên tất cả các độ tuổi, các cấp học; mức độ của các vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng cao hơn… Đặc biệt, tình trạng suy thoái tư tưởng, giảm sút niềm tin, thái độ thờ ơ, vô cảm, lối sống buông thả, lệch chuẩn của một bộ phận học sinh là một nguy cơ đáng lo ngại.
Trước thực trạng đó, cần đưa ra những giải pháp căn bản để ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh.
Một là, xây dựng nhà trường thực sự trở thành trung tâm giáo dục đạo đức cho học sinh. Hai là, xác định rõ mục đích, chức năng của quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh trong nhà trường.
Ba là, đổi mới chương trình giáo dục, tăng tỷ lệ thời gian và các môn giáo dục đạo đức trong nhà trường. Bốn là, xây dựng nội dung giáo dục đạo đức cho từng lớp và từng cấp học phù hợp độ tuổi. Cuối cùng, đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục đạo đức trong nhà trường.
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách của các trường phổ thông, của toàn ngành giáo dục. Giải pháp gốc để ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức trong học sinh là phải quán triệt triết lý giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”, thực sự lấy đức làm gốc trong xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phổ thông hiện nay.