Gần 40 năm trước, ở lứa tuổi đôi mươi, ông Trần Bá Báu từ Thái Bình ra xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) lập nghiệp. “Thời điểm đó thanh niên chúng tôi khí thế lắm, ra đi để được dựng xây đất nước, nên hầu hết đều chọn vùng khó. Tôi thì theo lời kêu gọi từ chương trình trồng rừng 661 của Chính phủ…” – Ông Báu cho biết.
Ông kể, Quảng Sơn khi đó khó khăn lắm, đã có lúc ông muốn quay về quê. Nhưng rồi cái duyên với người con gái Quảng Sơn đã giữ ông lại, quyết định lấy Quảng Sơn làm nơi sinh cơ, lập nghiệp.
Quảng Sơn có nghề trồng chè, hái chè thuê, kiếm củi trên rừng để bán cho Nhà máy chè Đường Hoa xao chè… Đó là những thứ có thể kiếm được ra tiền để lo bữa ăn hằng ngày. Ông khi đó chỉ thông thuộc cây rau, cây lúa, chưa quen leo rừng, nhổ búp. Ông nghĩ hái chè, kiếm củi chỉ là mưu sinh trước mắt, trồng rừng mới là kế sinh nhai lâu dài.
Hồi đó chính quyền khuyến khích người dân phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông nhận đến 30ha. Xác định đất chính là tài sản, nhưng tiền đầu tư để cải tạo đất, mua giống cây, thuê nhân công… là cả một bài toán khó. Ông tìm hiểu, xác định lấy ngắn nuôi dài, lấy thành quả nơi đồi thấp bù đắp cho rừng cao, phát huy cao nhất sức trẻ của 2 vợ chồng.
Ông dành 2ha đất tốt để trồng cây chè, trồng cây ăn trái trong vườn đồi thấp, trồng keo trên đồi núi cao. Khi cuộc sống đã bắt đầu tạm ổn, cây rừng đến kỳ thu hoạch tỉa, ông xây dựng lò đốt than hoa để lấy than bán cho các hộ cần dùng, thay vì bán củi cho xưởng xao chè… Lấy ngắn nuôi dài, diện tích rừng trồng của ông mỗi năm mỗi mở rộng hơn.
Từ năm 2.000 đến nay, thực hiện mục tiêu chung của tỉnh, của huyện, Quảng Sơn đẩy mạnh chương trình trồng rừng sản xuất. Người dân trong xã bắt đầu nhận thấy giá trị, đầu tư cho rừng. Mô hình trồng rừng của ông Báu trở thành mô hình mẫu, được nhiều người đến học hỏi. Nắm bắt xu thế này, ông Báu xây dựng vườn giống cây lâm nghiệp, vừa để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, vừa cung ứng dịch vụ cây giống cho các hộ trồng rừng. Từ quy mô nhỏ hẹp với chỉ một số giống cây rừng thông dụng, đến nay vườn cây giống của ông được mở rộng với đa dạng chủng loại cây chè, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây đô thị, cây cảnh…
Năm 2007 ông Báu thành lập Doanh nghiệp tư nhân Trần Báu. Năm 2015 doanh nghiệp của ông được huyện chọn là một trong những đối tác tin cậy cung ứng giống cây chè chất lượng cao để thay thế giống chè địa phương đã có dấu hiệu thoái hoá giống trên toàn vùng chè Hải Hà. Từ năm 2020 đến nay, ông Báu tiếp tục nâng cấp vườn giống cây lâm nghiệp của mình, đảm bảo đủ khả năng cung ứng với số lượng rất lớn. Vườn cây giống của ông hiện có nhiều loại cây rừng gỗ lớn, nhất là các giống lim, giổi, lát, kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế rừng theo định hướng phát triển của huyện và tỉnh.
Nhiều năm gắn bó với miền sơn cước Quảng Sơn, nhiều năm lăn lộn với nghề rừng, thành quả của ông Trần Báu chính là tình yêu với mảnh đất này và tình yêu với nghề rừng ngày càng lớn. Gia tài của ông Báu hiện nay là 68ha rừng xanh tươi, vườn giống cây lâm nghiệp quy mô, thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 30% – 50%. Ông Trần Bá Báu có điều kiện đóng góp xây dựng xã NTM Quảng Sơn nói riêng, huyện NTM Hải Hà nói chung, có điều kiện hỗ trợ rất nhiều hộ dân về giống, vốn để vươn lên phát triển kinh tế.