(NB&CL) Sự phát triển của truyền thông xã hội và công nghệ đã thay đổi cách tiêu thụ tin tức của công chúng. Để tồn tại, báo chí không còn chỉ là nơi đưa tin tức đơn thuần, mà phải trang bị cho mình thêm những giá trị mới, thậm chí phải tái cơ cấu và tái cấu trúc lại. Theo đuổi mô hình “đa dịch vụ” có thể là một gợi ý cho nhiều toà soạn báo chí tại Việt Nam...
Đã đến lúc vượt ra ngoài việc đưa tin đơn thuần
Hoạt động báo chí toàn cầu đang chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự, không chỉ là sự chuyển đổi nhỏ lẻ mà là một cuộc “tái cấu trúc” toàn diện. Các tòa báo giờ đây không còn đóng vai trò đơn thuần là người đưa tin, tuyên truyền hay phản ánh sự kiện. Thay vào đó, họ đang vươn mình trở thành những “ngành dịch vụ đa năng”, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ. Nhiều tổ chức báo chí, bao gồm cả ở Việt Nam, đã và đang đi theo hướng này. Họ không chỉ cung cấp các dịch vụ báo chí - truyền thông - công nghệ, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như tư vấn, tổ chức sự kiện (ví dụ: các hoạt động thể thao, diễn đàn kinh tế, chương trình hợp tác đầu tư...), khai thác tối đa thế mạnh của mình.
Theo đánh giá của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Công ty Le Bros, một trong những cơ hội của “đa dịch vụ” đó là khả năng đa dạng hóa nguồn doanh thu, giảm sự phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo truyền thống vốn đang ngày càng suy giảm, và tạo ra nguồn thu ổn định từ các dịch vụ mới. Các tổ chức báo chí cũng có thể tận dụng tối đa thế mạnh của mình, khai thác thương hiệu, uy tín, mối quan hệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông để cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả và khách hàng, đồng thời tăng cường tương tác, tạo ra các kênh kết nối chặt chẽ hơn với cộng đồng.
“Các dịch vụ được cung cấp bởi báo chí phải đa dạng hơn. Báo chí có thể tham gia vào các hoạt động truyền thông cho các tổ chức, doanh nghiệp, và hỗ trợ các chiến dịch truyền thông công cộng. Tổ chức sự kiện cũng là điều thiết yếu. Báo chí không nên làm việc cho các doanh nghiệp, mà nên tạo ra các sự kiện, tạo ra thông tin, và cung cấp giải pháp cho các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, và thể thao... Đây là những sản phẩm của báo chí, tập hợp các bên liên quan để tạo ra nội dung hữu ích phục vụ xã hội”, ông Vinh cho hay.
Ông Lê Quốc Vinh.
Tại Việt Nam có thể nhắc tới một số điển hình, VnExpress không chỉ là một tờ báo điện tử hàng đầu mà còn là một đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp. Trong những năm qua, tờ báo này đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tiêu biểu là VnExpress Marathon - một trong những giải chạy bộ lớn nhất Việt Nam, được tổ chức thường niên tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Đặc biệt mấy năm gần đây, Báo Nhân Dân – một trong những tờ báo Đảng uy tín nhất của Việt Nam đã sản xuất nhiều chương trình âm nhạc có sự tham gia của các ngôi sao quốc tế; tổ chức Giải thưởng Human tôn vinh các cá nhân và tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua các sáng kiến và dự án cộng đồng đáng tin cậy. Các sự kiện này không chỉ khẳng định uy tín của tờ báo mà còn giúp Báo Nhân Dân ngày càng gần gũi, gắn bó hơn với công chúng.
Hay với Báo Đầu tư ghi dấu ấn tiên phong khi khởi xướng Diễn đàn M&A Việt Nam - một sự kiện thường niên uy tín dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Diễn đàn này đã trở thành nền tảng quan trọng để các nhà đầu tư, chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận về các vấn đề then chốt liên quan đến hoạt động M&A tại Việt Nam. “Các hoạt động này, vượt ra ngoài việc đưa tin truyền thống”, theo ông Vinh, điều này “không chỉ tạo ra doanh thu mà còn phục vụ sứ mệnh rộng lớn hơn của tờ báo, góp phần vào giá trị tổng thể của ấn phẩm”.
Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Vinh nhắc đến việc thu phí nội dung là một phần quan trọng của đa dạng hoá dịch vụ báo chí và được xác định là xu hướng tất yếu. “Để triển khai thành công mô hình báo chí trả phí, một chiến lược toàn diện trên toàn ngành là điều thiết yếu. Tính khả thi của nội dung trả phí phụ thuộc vào một lộ trình rõ ràng và cần một quyết định chung từ toàn ngành để mô hình này hoạt động hiệu quả”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
“Đa dịch vụ” để bảo vệ tính toàn vẹn của báo chí
“Đa dịch vụ” mang đến cho báo chí những cơ hội phát triển vượt bậc, nhưng đồng thời cũng đi kèm với không ít thách thức. Đó là sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trong các lĩnh vực mới như công nghệ, tư vấn, tổ chức sự kiện, đòi hỏi các tổ chức báo chí phải đầu tư lớn về công nghệ, nhân lực và tài chính để phát triển các dịch vụ mới.
Năng lực quản lý chuyên nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để điều hành một tổ chức đa năng, đa lĩnh vực và không thể bỏ qua những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình đầu tư và phát triển các dịch vụ mới. Một số hệ lụy có thể xảy ra nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể nhắc tới việc mất tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là sản xuất tin tức chất lượng cao, xung đột lợi ích giữa vai trò báo chí và vai trò kinh doanh, hoặc giảm uy tín của tổ chức báo chí nếu không quản lý tốt.
Khi tin tức đã không còn được xem như thế mạnh, báo chí muốn phát triển cần thay đổi một cách toàn diện.
Ở góc độ này, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh rằng, các dự án và sự kiện hợp tác với doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh báo chí hiện đại. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ đối với tính toàn vẹn của hoạt động báo chí. Ranh giới giữa hợp tác và “bắt tay” với doanh nghiệp cần được xác định rõ ràng để tránh những xung đột lợi ích. “Chẳng hạn, việc hợp tác trong các dự án truyền thông về sản phẩm, dịch vụ có thể khiến báo chí trở thành công cụ quảng cáo cho doanh nghiệp, thay vì phản ánh thông tin khách quan, trung thực cho công chúng”, ông Vinh nêu vấn đề.
Ông phân tích thêm: “Tương tự, việc tham gia tổ chức các sự kiện có tài trợ từ doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của báo chí trong việc đưa tin, đánh giá về sự kiện đó. Do đó, việc thiết lập các quy tắc ứng xử, quy trình kiểm soát chặt chẽ là vô cùng cần thiết để bảo vệ tính toàn vẹn của báo chí”.
Phan Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/mo-hinh-da-dich-vu-huong-di-moi-cua-bao-chi-viet-nam-post334297.html
Bình luận (0)