Đã rõ thêm những tham số quan trọng của Dự án PPP Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, có kinh phí lên tới 33.910 tỷ đồng.
Phương án mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đang dần trở nên rõ nét. Trong ảnh: Đoạn TP.HCM – Trung Lương. |
Chốt phạm vi đầu tư
Mặc dù còn phải trải qua giai đoạn thẩm định, xin ý kiến của các bộ, ngành và địa phương liên quan, nhưng đến thời điểm này, phương án mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đã trở nên rõ nét nếu chiểu theo báo cáo mới nhất vừa được Ban Quản lý dự án 7 gửi tới Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).
Ban Quản lý dự án 7 là đơn vị được Bộ GTVT giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.
Trong Công văn số 2358/BQLDA7-ĐHDA4, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND TP.HCM về việc thống nhất không đưa tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm và Bình Thuận – Chợ Đệm (tổng chiều dài khoảng 13 km) vào Dự án.
UBND TP.HCM sẽ bố trí nguồn kinh phí phù hợp để đầu tư 2 đoạn tuyến nói trên, đảm bảo tiến độ hoàn thành đồng bộ với thời gian thực hiện của Dự án để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
– Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư: quý II/2024 – quý I/2025.
– Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án: quý I/2025 – quý III/2025.
– Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án: quý III/2025 – quý I/2026.
– Triển khai thực hiện dự án: quý I/2026 – quý IV/2028.
Ban Quản lý dự án 7 cũng đề nghị Bộ GTVT thống nhất với UBND tỉnh Long An và UBND tỉnh Tiền Giang không đưa hạng mục đường gom dân sinh (tổng chiều dài khoảng 67 km) vào Dự án và đề nghị 2 địa phương thực hiện các hạng mục nói trên như là dự án độc lập.
Bên cạnh đó, với tư cách là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn I, UBND tỉnh Tiền Giang cũng cần sớm có ý kiến về việc đảm bảo lợi ích hợp pháp giữa nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận với nhà đầu tư thực hiện giai đoạn I (đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận) để tránh phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện, vướng mắc trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo.
Về phương án hoàn trả vốn ngân sách nhà nước ứng trước để đầu tư Dự án Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn I), Ban Quản lý dự án 7 đồng thuận với phương án do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – Công ty cổ phần Tasco (nhà đầu tư đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận) đề xuất.
Cụ thể, sau khi nhà đầu tư hoàn thành thu phí hoàn vốn đầu tư và kết thúc hợp đồng Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, sẽ chuyển giao cho Nhà nước tiếp tục thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước ứng trước để đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn I).
Do Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận được thực hiện trên phần công trình được đầu tư bởi ngân sách nhà nước (đối với đoạn TP.HCM – Trung Lương) và vốn đầu tư tư nhân (đối với đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận), nên đây là những nội dung cần xử lý ổn thỏa nếu muốn tổ chức triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch này theo phương thức PPP.
Không dùng vốn nhà Nước
Nếu các đề xuất của Ban Quản lý dự án 7 và liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu được chấp thuận, thì Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận dài 91 km, bao gồm cả nút giao Chợ Đệm trong giai đoạn 2024 – 2028 theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách nhà nước tham gia.
Trong đó, đoạn TP.HCM – Trung Lương có điểm đầu tại Km10+000 và nút giao Chợ Đệm; điểm cuối tại Km49+620 tại trước nút giao Thân Cửu Nghĩa. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 39,62 km đi qua địa bàn TP.HCM khoảng 1,2 km, tỉnh Long An khoảng 28,5 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 9,92 km.
Đoạn tuyến này được đề xuất đầu tư mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, chiều rộng nền đường 41 m. Do trong giai đoạn I đã giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe, nên Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận chỉ giải phóng mặt bằng bổ sung một số đoạn để đầu tư thêm các hạng mục cần thiết.
Đối với đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Ban Quản lý dự án 7 đề xuất điểm đầu tại Km49+620 trước nút giao Thân Cửu Nghĩa; điểm cuối tại Km101+126 tại nút giao với Quốc lộ 30. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 51,506 km, qua địa bàn thị xã Cai Lậy và các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Cái Bè, Tân Phước (đều thuộc tỉnh Tiền Giang).
Do trong giai đoạn I đã đầu tư 4 làn xe và dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, chiều rộng nền đường 17 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, nên Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ thực hiện đầu tư mở rộng 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, chiều rộng nền đường 32,25 m, chỉ giải phóng mặt bằng bổ sung một số đoạn để đầu tư thêm các hạng mục cần thiết.
Nếu đầu tư đồng bộ cả trạm dừng nghỉ và hệ thống kiểm soát, điều hành giao thông thông minh, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ có tổng mức đầu tư, bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công là 33.910 tỷ đồng.
Trong đó, vốn chủ sở hữu là 5.087 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư), vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 28.823 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư).
Với lãi suất huy động vốn trong thời gian xây dựng và khai thác dự kiến là 10,75%/năm; tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 13,88%/năm; giá dịch vụ sử dụng đường bộ khởi điểm (2027 – 2028) là 1.300 đồng/km/xe loại 1 và 2.100 đồng/km/xe loại 1 trong giai đoạn tiếp theo, tăng giá vé 12%/3 năm, Dự án sẽ có thời gian hoàn vốn là 18 năm, 3 tháng.
Theo ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7, việc thống nhất các nội dung liên quan đến đảm bảo lợi ích hợp pháp giữa nhà đầu tư thực hiện Dự án giai đoạn mở rộng với nhà đầu tư thực hiện giai đoạn I (đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận) là rất quan trọng, là cơ sở pháp lý cần thiết để tránh phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện, vướng mắc trong các bước tiếp theo.
“Ban Quản lý dự án 7 khẩn trương làm việc với nhà đầu tư lập báo cáo đề xuất dự án và nhà đầu tư thực hiện giai đoạn I (đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận) để thống nhất được nội dung của Dự án”, đại diện đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết.
Nguồn: https://baodautu.vn/minh-dinh-phuong-an-nang-doi-tuyen-cao-toc-ve-mien-tay-d226872.html