Chuẩn bị khai thác 2 đoạn, tuyến đường sắt đô thị mới
Sáng 17/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP.HCM.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, tại phiên họp thứ nhất (ngày 15/5/2024), Phó thủ tướng giao 16 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.
Đến nay, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoàn thành tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội; vận hành thử đoạn trên cao; hoàn thành thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, đào tạo nhân sự.
Đối với tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, các bộ: GTVT, Xây dựng, Tài chính đã chỉ đạo triển khai đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát các điều kiện nghiệm thu; hoàn thiện thủ tục và ký kết phân bổ vốn vay cho đoạn đi ngầm; thành lập hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường.
Báo cáo Tổ công tác, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự kiến đến cuối tháng 7/2024 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, dự án tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM) đã hoàn thành thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư.
Theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội và TP.HCM phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm. Theo đó, đến năm 2035, mỗi thành phố hoàn thành 200km đường sắt đô thị.
Theo kế hoạch, đến năm 2030 TP.HCM sẽ có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220km, vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.
Quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km.
TP.HCM đang đẩy nhanh hoàn thành thi công các hạng mục còn lại; thực hiện chạy thử, vận hành hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, chấp thuận về môi trường… để đưa vào sử dụng trong tháng 12/2024.
Tại cuộc họp, Tổ công tác đã nghe báo cáo, góp ý nội dung 2 đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035, nhất là về các cơ chế, chính sách đặc thù, phương án huy động nguồn lực phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi thành phố và cả nước.
Lãnh đạo các bộ: GTVT, Tư pháp, Xây dựng cho rằng, đây là những đề án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên ngành, trong điều kiện pháp luật còn nhiều vướng mắc, nếu cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai đầu tư trong thời gian qua để đề xuất mục tiêu, giải pháp xây dựng tuyến đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ.
Phấn đấu khai thác các đoạn trên cao sớm hơn kế hoạch
Kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, sau phiên họp lần thứ nhất, các thành viên Tổ công tác đã hoàn thành 9/16 nhiệm vụ được giao, tiếp tục triển khai 7 nhiệm vụ còn lại theo đúng kế hoạch, với cách làm khoa học, cụ thể, thiết thực, hiệu quả, rõ trách nhiệm.
Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội, TP.HCM phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên sớm hơn tiến độ đề ra.
Về 2 đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Phó thủ tướng yêu cầu có sự thống nhất về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách chung, đồng thời tính đến đặc thù về của địa phương (quy hoạch xây dựng, không gian phát triển, dự báo tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số…). Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội, TP.HCM phải kết nối đồng bộ với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, bao gồm: Nhà ga, quy chuẩn thiết kế kỹ thuật đường ray, đầu máy, toa xe, hệ thống điều hành…
“Hai thành phố cần lựa chọn được những đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu để hoàn thiện, thẩm định quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị với tầm nhìn trăm năm”, Phó thủ tướng nói.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia có mạng lưới tàu điện ngầm phát triển, hiện đại. Đây là cơ sở để 2 đề án đưa ra phương án toàn diện, khả thi về tiếp nhận, chuyển giao công nghệ xây dựng công trình ngầm, đầu máy, toa xe, quản lý, vận hành, đào tạo nhân lực… nhằm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động tổng thể đối với nền kinh tế của các đề án phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng gói chính sách, phương án huy động nguồn lực xã hội hóa ở mức cao nhất thông qua các hình thức TOD (phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến giao thông), PPP (đối tác công – tư), BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao)…
“Các cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới đường sắt đô thị ở TP Hà Nội, TP.HCM phải đồng bộ, khả thi, cụ thể, chỉ rõ cách làm, ai làm, vướng mắc ở đâu và đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Tháng 5/2024, Thủ tướng ký quyết định lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo, đốc thúc tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM (Tổ công tác).
Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm tổ trưởng, các tổ phó gồm Bộ trưởng GTVT, Xây dựng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP.HCM và 9 ủy viên.
Tổ công tác sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, xử lý khó khăn vướng mắc, tháo gỡ cơ chế kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ các dự án đường sắt đô thị triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM.
Đồng thời, trong quá trình hoạt động, tổ cũng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong chính sách đầu tư. Nếu cần thiết, tổ được nghiên cứu học tập kinh nghiệm một số nước có đường sắt đô thị hiện đại và mời các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm góp ý.
Hằng tháng, Tổ công tác đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thường trực Tổ công tác; sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác; xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổng hợp nội dung báo cáo và dự thảo kết luận cho các kỳ họp của Tổ công tác.
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội và TP.HCM có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện các dự án cho Tổ công tác, định kỳ một tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/quy-hoach-mang-luoi-duong-sat-do-thi-voi-tam-nhin-tram-nam-192240702233231946.htm