Những nếp nhà cột kèo gỗ, bố cục ba gian hai chái cùng mái lợp ngói âm dương hai tầng, xung quanh là hàng rào bằng đá kiên cố… gây ấn tượng với du khách khi đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là không gian mang đậm bản sắc văn hóa Mông, đồng thời là mô hình giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây xóa đói giảm nghèo.
Trẻ em Hà Giang háo hức tìm hiểu Tết cổ truyền
|
Số hóa bảo tàng truyền tải sinh động vẻ đẹp Hà Giang đến du khách
|
Sáng sớm, trời đất còn mờ sương, Sùng Mí Pó (28 tuổi, ở xã Pả Vi) đã sửa soạn đi làm. Nơi anh làm việc là homestay Pả Vi thuộc Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ. Homestay cách nhà chừng 600m nên anh thường đi bộ, thi thoảng mới dùng đến xe máy. Ngày cuối tuần, khách du lịch ghé homestay đông hơn nên thời gian làm việc của Sùng Mí Pó bắt đầu từ 6h30 đến 23h với các công việc: đón khách, dọn phòng, nấu ăn.
“Trước đây tôi làm đủ nghề: thợ xây, bốc vác, bán hàng… song thu nhập phập phù, tháng có tháng không. Vợ tôi bán hàng ngoài chợ, mỗi tháng được chừng 3-4 triệu đồng, nhà có ba đứa con nên rất vất vả. May mắn là sau khi tham gia sửa chữa homestay Pả Vi, tôi được anh chị chủ nhận vào làm việc. Đến nay tôi đã làm ở đây được 4 tháng, vừa có thu nhập ổn định (7 triệu đồng/tháng) vừa được làm việc gần nhà, giúp tôi có điều kiện chăm sóc con cái, bố mẹ”, anh Sùng Mí Pó cho biết.
Ngoài Sùng Mí Pó, còn có 2 người dân địa phương khác làm việc tại homestay Pả Vi với thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.
Chị Hoàng Thị Hiên (áo đỏ), chủ homestay Pả Vi làm thủ tục cho khách. (Ảnh: Thành Luân) |
Theo chị Hoàng Thị Hiên (36 tuổi), chủ homestay Pả Vi, homestay của gia đình chị được xây dựng theo kiến trúc của người Mông, kiểu nhà có cột kèo bằng gỗ gỗ, bố cục ba gian hai chái cùng mái lợp ngói âm dương hai tầng, xung quanh là hàng rào bằng đá kiên cố, trong nhà có trang trí thêm các vật dụng của người Mông, trồng hoa ngoài sân…
Kể lại những ngày đầu cùng 27 hộ gia đình khác tham gia đầu tư, kinh doanh homestay tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông cách đây 8 năm, chị Hiên cho biết: vợ chồng chị vốn chỉ quen làm nông nghiệp, nay chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch, vốn đầu tư lớn nên vợ chồng chị rất lo lắng, lưỡng lự. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ, vợ chồng chị quyết định đầu tư. Theo đó, gia đình chị và các hộ dân khác tham gia kinh doanh dịch vụ tại Làng được chính quyền hỗ trợ mặt bằng 50 năm không lấy phí; hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ kinh doanh; được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất.
Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ đón khách du lịch cho các chủ hộ, kỹ năng phục vụ buồng phòng, lễ tân, đầu bếp, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mở các lớp đào tạo cấp tốc tiếng Anh… Chị Hiên và nhiều hộ gia đình khác được tạo điều kiện tham quan, học hỏi các mô hình phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả tại Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên…
Homestay Pả Vi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Homestay Pả Vi) |
“Đến nay, lượng khách đến với Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông khá đông và ổn định. Riêng homestay Pả Vi, trung bình mỗi ngày chúng tôi đón 20 lượt khách, cao điểm vào các ngày lễ, tết, cuối tuần, homestay kín phòng”, chị Hiên cho biết.
Để du khách biết đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông nói chung và homestay nói riêng, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, chị Hiên cũng chủ động lập fanpage của homestay Pả Vi trên Facebook, Zalo, kết nối với các công ty lữ hành, các trang du lịch… để quảng bá. Homestay Pả Vi luôn có sẵn các loại bánh, kẹo làm từ hạt tam giác mạch, một loại cây đặc của Hà Giang, do chính chị Hiên và các thành viên trong Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại Pả Vi làm để giới thiệu đến du khách.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Thành Luân) |
Tương tự homestay Pả Vi, các homestay khác tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông đều mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông từ thiết kế đến cách trang trí, các món ăn truyền thống. Đến Làng, du khách được trải nghiệm nhiều nét văn hóa trong đời sống của bà con địa phương như đan quẩy tấu, se sợi, dệt vải, các trò chơi dân gian… Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ tắm, ngâm chân bằng lá thuốc dân tộc; thưởng thức các chương trình văn hóa, văn nghệ đậm sắc văn hóa Mông vào các tối cuối tuần.
Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, huyện xác định bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay huyện có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng gồm: Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi); Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô thôn Sảng Pả A (thị trấn Mèo Vạc); Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Giáy thôn Tát Ngà (xã Tát Ngà), Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày thôn Bản Tồng (xã Niêm Sơn) và Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Nùng thôn Khâu Vai (xã Khâu Vai). Việc triển khai các mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng đã mang lại giá trị kinh tế, tạo công văn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững cho huyện Mèo Vạc. Huyện đang nghiên cứu và đề xuất với tỉnh tiếp tục xây dựng làng văn hóa du lịch đậm đà bản sắc của dân tộc Lô Lô, một trong 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người.