(Dân trí) - Cậu bé 10 tuổi ở Trung Quốc đã phản ứng nhanh, kịp thời cứu người mẹ đang nghẹt thở do hóc quả nho.
Con trai phản ứng nhanh cứu mạng người mẹ
Theo camera an ninh tại căn nhà ở thành phố Tế Nam (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), sự việc xảy ra vào ngày 17/1 khi người mẹ liên tục ho và khạc nhổ sau khi nuốt phải quả nho.
Nghe tiếng mẹ nôn ói, hai người con (bé trai 10 tuổi và bé gái 6 tuổi) chạy đến kiểm tra. Cậu con trai nhanh chóng đặt điện thoại xuống bàn, vỗ mạnh vào lưng giúp mẹ nôn ra dị vật. Tuy nhiên, người mẹ thậm chí không thể uống nước do cơn ho không dứt.
Mẹ nghẹt thở do hóc quả nho và phản ứng bất ngờ của cậu con trai 10 tuổi (Nguồn video: Newsflare).
Cậu bé đến sau lưng mẹ và thực hiện động tác Heimlich. Cuối cùng, người phụ nữ nôn ra dị vật, thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Khi hít thở sâu, cô vẫn còn run rẩy vì cơn đau.
Phản ứng kịp thời của cậu bé 10 tuổi đã gây ấn tượng với cộng đồng mạng Trung Quốc.
"Nghiêm túc mà nói cậu bé này mạnh mẽ hơn nhiều người lớn về mặt tinh thần, để có thể kịp thời cứu mẹ khỏi tình huống nguy hiểm", một người dùng mạng viết.
"Đứa trẻ vừa có thể chơi điện thoại vừa cứu mẹ, thật đáng nể phục", một người khác bình luận.
Khoảnh khắc bé trai 10 tuổi phản ứng nhanh, thực hiện động tác Heimlich cứu mẹ khỏi nguy hiểm (Ảnh cắt từ video).
Động tác Heimlich là gì?
Phương pháp vỗ lưng để khai thông đường thở được gọi là động tác Heimlich, phát minh bởi bác sĩ người Mỹ Henry Judah Heimlich. Đây là động tác được sử dụng để sơ cứu người bị nghẹn thức ăn hoặc các dị vật khác gây tắc nghẽn đường thở.
Dị vật đường thở là một tình huống cấp cứu thường gặp, có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh, do dị vật làm tắc nghẽn đường thở, dẫn đến thiếu oxy.
Dị vật gây hóc thường gặp ở đường thở là các loại hạt (hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều,…) hay một số loại thực phẩm, hoa quả, các mảnh đồ chơi nhỏ.
Minh họa tư thế thực hiện động tác Heimlich với người lớn (Ảnh: GXM).
Đối với người lớn: Người thực hiện động tác Heimlich sẽ đứng sau lưng nạn nhân, vòng hai tay ra trước quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong, áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.
Tiếp theo, người đứng sau giật tay thật mạnh, đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 lần.
Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả. Áp lực từ động tác này có thể đẩy bật dị vật ra ngoài, giúp khai thông đường thở cho nạn nhân.
Lặp lại một vài lần nếu cần thiết, nhưng nếu không hiệu quả thì phải nhanh chóng gọi cấp cứu.
Bác sĩ hướng dẫn thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực đối với trẻ em (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, phụ huynh cần thực hiện thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực:
- Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ trẻ ưỡn tránh gập đường thở. Sau đó, dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ (ở khoảng giữa hai bả vai).
- Nếu thấy trẻ còn khó thở, tím tái lật ngửa trẻ sang tay phải và dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 xương ức 5 cái.
- Tiếp tục luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc thấy trẻ khóc được.
Bác sĩ hướng dẫn thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Đối với trẻ trên 2 tuổi, phụ huynh cần áp dụng thủ thuật Heimlich:
- Tư thế ngồi hoặc đứng phía sau người trẻ sao cho thuận tiện để vòng 2 tay qua người trẻ.
- Bàn tay trái tạo thành nắm đấm, đặt ngay thượng vị, dưới mũi ức phía trước ngực và bàn tay phải ôm lấy nắm đấm.
- Ấn mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên cho đến khi dị vật ra ngoài.
Sau khi thực hiện các thao tác này, dù trẻ đã nôn dị vật, phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/me-nghet-tho-do-hoc-qua-nho-va-phan-ung-bat-ngo-cua-cau-con-trai-10-tuoi-20250206195845202.htm
Bình luận (0)