Các khoản nợ chồng chất, người tiêu dùng tỏ ra thận trọng hơn trong việc chi tiêu là những “đám mây đen’ che phủ đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Phục hồi kinh tế Trung Quốc đang gặp khó. (Nguồn: Bloomberg) |
Loạt vấn đề lớn đè nặng
Các chính sách hạn chế thương mại do chính quyền cựu Tổng thống Trump thực hiện đã khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc vào năm 2019. Đại dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020 làm trầm trọng thêm vấn đề và khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gia tăng thách thức.
Sau gần ba năm chống dịch, hiện tại, cuộc sống ở Trung Quốc đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, nền kinh tế của nước này tiếp tục cho thấy dấu hiệu của những vấn đề đang nảy sinh mâu thuẫn.
Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nước này đã củng cố vị thế là một “gã khổng lồ” về sản xuất đồng thời đưa người dân thoát khỏi đói nghèo. Năm 2012, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia là 8,5 nghìn tỷ USD. Đến năm 2022, GDP đã tăng lên 18,5 nghìn tỷ USD, mức tăng trưởng đáng kinh ngạc hơn 100%.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,5% trong quý đầu tiên của năm tài chính hiện tại. Đó là một sự cải thiện so với năm 2022 – chỉ tăng trưởng 3% – nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đặt ra.
Một số nhà quan sát tin rằng, sự chậm lại của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy những vấn đề sâu sắc hơn có thể sớm xuất hiện.
Mới nhất, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của lĩnh vực chế tạo – thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy – đã giảm xuống 48,8 trong tháng 5/2023, nằm dưới mốc 50 điểm – mốc phân tách giữa tăng trưởng và thu hẹp.
Con số này theo sau mức giảm 49,2 trong tháng 4/2023, đảo ngược xu hướng tăng trưởng của ba tháng liên tiếp và thấp hơn so với mức ước tính trung bình 49,5 của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.
Bên cạnh đó, dữ liệu chính thức được công bố hôm 28/5 cũng cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023. Các công ty tiếp tục chật vật với những áp lực về lợi nhuận thặng dư trong bối cảnh lực cầu yếu ớt do nền kinh tế không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng.
Theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, lợi nhuận công nghiệp giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4, mức giảm là 18,2% sau khi giảm 19,2% trong tháng 3.
Nguy cơ khủng hoảng nợ địa phương
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Trung Quốc cho phép các thành phố sử dụng phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) để vay tiền thanh toán cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, đây lại là một trò chơi mạo hiểm khi tăng trưởng lĩnh vực bất động sản bị đóng băng trong thời gian dài và chi tiêu của chính phủ tăng lên. Những vấn đề này đã làm tăng khả năng một số chính quyền địa phương có thể không thực hiện được các nghĩa vụ nợ, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn hơn.
Một phân tích gần đây của Tập đoàn Rhodium cho rằng, trong số 205 thành phố tại Trung Quốc được khảo sát, 102 đã phải vật lộn với việc trả nợ vào năm 2022.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng nhận thấy, “rủi ro đang gia tăng tại các địa phương tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là đối với các khu vực nội địa kém phát triển hơn”.
Bất động sản chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Lĩnh vực này rất quan trọng đối với “sức khỏe” kinh tế của quốc gia. Nhưng ngành này vẫn đang trong tình trạng “ốm yếu”. So với tháng 4/2023, doanh số bán nhà ở tháng 5 đã giảm gần 15%.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2012-2022, nợ công của Trung Quốc tăng thêm 37.000 tỷ USD, trong khi Mỹ chỉ thêm 25.000 tỷ USD.
Tính đến tháng 6/2022, khoản nợ mà Trung Quốc phải gánh là 52.000 tỷ USD, cao hơn nợ của tất cả nền kinh tế mới nổi cộng lại. Các khoản nợ lớn cũng là những “đám mây đen” che phủ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Niềm tin của người tiêu dùng lung lay
Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài và xuất khẩu suy yếu, hy vọng lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay là người tiêu dùng trong nước sẽ tăng chi tiêu.
Mặc dù người dân đang chi tiêu nhiều hơn sau 3 năm đại dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc đang không có được sự tăng trưởng đột phá như các nền kinh tế khác sau khi khôi phục trạng thái bình thường.
Chi tiêu hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 38% tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc, trong khi ở Mỹ là 68%.
Giám đốc tài chính của Pepsi Hugh Johnston đánh giá: “Niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu”.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc – một dấu hiệu không mấy lạc quan khác,
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc cuối cùng sẽ lấy lại niềm tin, trong khi Bắc Kinh sẽ vực dậy các lĩnh vực khác của nền kinh tế. “Nhưng điều đó có thể mất nhiều năm” – Yahoo News nhận định.