Hành trình này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không. Đây là chiếc máy bay thương mại thứ hai do Trung Quốc chế tạo đã cất cánh, sau chiếc ARJ21 90 chỗ chặng ngắn, được các hãng hàng không Trung Quốc và TransNusa của Indonesia sử dụng.
Chiếc máy bay C919 đã cất cánh từ Sân bay Hồng Kiều ở Thượng Hải lúc 10h32 giờ địa phương, hướng đến Sân bay Thủ đô Bắc Kinh. Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết chiếc máy bay chở 130 hành khách và tuyên bố rằng chuyến bay “đến Bắc Kinh suôn sẻ” chỉ ngay sau 12h30, sớm hơn khoảng 40 phút so với lịch trình.
“Tôi tự tin về chiếc máy bay. Chuyến bay suôn sẻ hơn dự kiến”, một trong số khoảng 130 hành khách nói với CCTV khi anh xuống máy bay. Các hành khách đã nhận được thẻ lên máy bay màu đỏ và một “bữa ăn theo chủ đề” thịnh soạn để kỷ niệm chuyến bay.
Cũng theo CCTV, từ thứ Hai, C919 sẽ hoạt động trên tuyến bay quen thuộc của hãng China Eastern giữa Thượng Hải và Thành Đô.
C919 được chế tạo bởi Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước. COMAC bắt đầu phát triển C919 cách đây 15 năm để cạnh tranh với các dòng máy bay phản lực thương mại một lối đi Airbus A320neo và Boeing 737 MAX.
Mặc dù máy bay phản lực được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào các bộ phận của phương Tây, bao gồm cả động cơ và hệ thống điện tử hàng không.
C919 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2017 sau nhiều năm trì hoãn và đã thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm trước chuyến bay thương mại đầu tiên vào Chủ nhật vừa rồi.
Theo truyền thông địa phương, COMAC đã nhận được khoảng 1.200 đơn đặt hàng cho C919, chủ yếu từ các hãng hàng không nội địa. Máy bay này vẫn chưa được chứng nhận bởi các cơ quan quản lý hàng không của Mỹ hoặc châu Âu.
COMAC hy vọng có thể sản xuất 150 máy bay C919 mỗi năm trong vòng 5 năm. COMAC cũng đang phát triển máy bay phản lực thân rộng CR929 với hai lối đi dành cho hành khách.
Bùi Huy (theo CCTV, AFP, DW)