Ngày 19/2, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ hai khóa X, nhiều ý kiến tâm huyết đã được góp ý vào dự thảo quy chế hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho ý kiến về thành lập các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nêu ý kiến, ông Ngô Sách Thực - Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam nhận định, quy chế hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bổ sung nhiều điểm mới của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi về chế độ họp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh các kỳ họp thường kỳ một năm hai lần, từ yêu cầu thực tiễn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể tổ chức họp chuyên đề hoặc bất thường theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch.
Cho rằng trong nhiệm kỳ này cần đồng bộ giữa quy chế với đổi mới nội dung phương thức hoạt động, chương trình làm việc của Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Ngô Sách Thực kiến nghị trước mỗi kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10 hàng năm, nên tổ chức kỳ họp của Đoàn Chủ tịch để tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Cùng với đó bổ sung trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban trong việc tập hợp ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của hội viên, đoàn viên và nhân dân nơi cư trú cũng như lĩnh vực công tác gửi về Ban Thường trực để phản ánh tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Góp ý vào báo cáo thành lập các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí với danh sách thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật khóa X, là những người có trí tuệ, nhiệt huyết dành cho công tác giám sát, phản biện xã hội.
Tuy nhiên để Hội đồng tư vấn hoạt động tốt, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng mối quan hệ giữa hội đồng với Ban Thường trực cần được nêu rõ hơn trong Quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X. Cụ thể, Điều 12 của Quy chế cần viết cụ thể hơn về trách nhiệm của Ban Thường trực cũng như Ủy viên thường trực phụ trách Hội đồng tư vấn, tạo điều kiện đảm bảo cho Hội đồng hoạt động cả về xây dựng chương trình phản biện, thời gian phản biện và sự chỉ đạo thực hiện công tác phản biện xã hội; đồng thời tăng cường thông báo về các ý kiến phản biện đã được các cơ quan hữu quan tiếp thu đến đâu, cần thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn.
Tâm đắc với nội dung Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được trình bày trước mỗi kỳ họp Quốc hội, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, báo cáo có ý nghĩa chính trị và pháp lý lớn, ở tầm vĩ mô của quốc gia, nếu đề xuất được những kiến nghị sâu sắc thì vai trò của Mặt trận sẽ được đề cao. Bởi vậy, cần quy định trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch trong xây dựng báo cáo này, đồng thời có thêm cuộc họp Đoàn Chủ tịch để phục vụ cho việc xây dựng báo cáo, hạn chế đóng góp bằng văn bản, từ đó Đoàn Chủ tịch sẽ rà soát các ý kiến, phát hiện thêm những vấn đề mới sâu sắc hơn, hợp với lòng dân hơn.
Đồng tình với quan điểm của GS.TS Trần Ngọc Đường, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần có thêm quy định để Đoàn Chủ tịch họp, cho ý kiến vào Báo cáo của tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước khi trình bày trước Quốc hội.
Cho rằng năm 2025 là thời điểm quan trọng, có tính bứt phá của đất nước, ông Nguyễn Túc kiến nghị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên có những hoạt động cụ thể ủng hộ chủ trương của Đảng, góp sức cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này cũng đánh dấu những bước chuyển mình quan trọng của công tác Mặt trận cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của toàn xã hội, ông Nguyễn Túc đề xuất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét có thêm những chính sách và hình thức để động viên các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa tham gia làm thành viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Trần Đình Thiên - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, trong bối cảnh đất nước thay đổi căn bản, Mặt trận phải có đóng góp xứng tầm cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV. "Phải coi đây là cơ hội, thời cơ để Mặt trận thể hiện vai trò quan trọng của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Đình Thiên, thời gian tới, Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải có những gợi ý chỉ đạo cho các Hội đồng tư vấn thảo luận về những vấn đề này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức đoàn kết các lực lượng nên có định hướng để có những chiến lược huy động sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra khi Đảng ta quyết tâm đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên vươn mình.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn, ông Trần Đình Thiên kiến nghị, trong nhiệm kỳ này các hội đồng nên có định hình những nhiệm vụ ưu tiên để có chương trình hoạt động thực sự nghiêm túc. Đặc biệt cần tạo động lực, khuyến khích cho các thành viên trong Hội đồng trong việc đóng góp trí tuệ, chất xám. Cùng với đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần hỗ trợ, là cầu nối để các Hội đồng tư vấn gắn kết chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương qua đó tổ chức các hội nghị chuyên đề gắn với từng vùng, từng tỉnh.
Nguồn: https://daidoanket.vn/mat-tran-gop-suc-cung-dat-nuoc-tien-vao-ky-nguyen-moi-10300197.html
Bình luận (0)