Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đưa cổ phiếu kỳ lân VNZ của CTCP VNG vào diện hạn chế giao dịch từ hôm nay, 25/5. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu VNZ sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Nguyên nhân do VNZ chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.
Trước đó, vào ngày 31/3, VNG đã công bố thông tin bất thường về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Theo đó, VNZ cho biết doanh nghiệp chậm nộp báo cáo do đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).
VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
Trong phiên 24/5, cổ phiếu VNZ tăng nhẹ lên 769.000 đồng/cp và vẫn là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, so với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 2, cổ phiếu này đã giảm hơn 45%, bốc hơi khoảng 1 tỷ USD. Vốn hoá còn khoảng 1,2 tỷ USD.
Trong quý I/2023, VNG ghi nhận doanh thu thuần 1.852 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 847 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hôm 16/2, cổ phiếu VNZ đã lên tới hơn 1,56 triệu đồng/cp sau 11 phiên tăng trần liên tiếp (từ mức giá tham chiếu ban đầu 240.000 đồng/cp).
Khi đó VNZ (chủ sở hữu ứng dụng Zalo) đã trở thành doanh nghiệp có giá cổ phiếu cao nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mức vốn hóa hơn 55,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).
Với mức giá hiện tại (769.000 đồng), CEO Lê Hồng Minh của VNZ có tài sản còn khoảng 2.700 tỷ đồng, nằm trong top 50 người giàu nhất Việt Nam. Xếp thứ 2 top doanh nhân công nghệ giàu nhất, chỉ sau ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT – người hiện có 6.320 tỷ đồng).
VNZ được xem là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam, một startup công nghệ có mức định giá trên 1 tỷ USD.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến Tập đoàn công nghệ FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình có vốn hóa quy mô tỷ USD (đạt khoảng 3,8 tỷ USD tính vào ngày 24/5). Tuy nhiên, FPT không được gọi là kỳ lân như VNG hay VNPay bởi đã quá trưởng thành, có bề dày hoạt động hơn 25 năm, không còn tính khởi nghiệp (startup).
Hiện vốn hóa của VNZ ở mức khoảng 1,2 tỷ USD, chỉ cao hơn một chút so với mức định giá 1 tỷ USD hồi năm 2014 và thấp hơn mức 2,2 tỷ USD theo định giá của Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore hồi năm 2019.
Việc định giá công ty công nghệ không theo cách tính thông thường. Trên thế giới, nhiều trường hợp thua lỗ lớn nhưng vẫn được định giá rất cao.
Hiện, VNZ có cơ cấu cổ đông cô đặc với một cổ đông nước ngoài nắm 49%; CTCP Công nghệ Big V (19,8%) và ông Lê Hồng Minh 9,84%.
Hiện tại, giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào các dự án lớn của VNZ như: vị trí số hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi và quảng cáo trực tuyến; định hướng ZaloPay sẽ trở thành ví điện tử số 1 tại Việt Nam; trung tâm dự liệu VNG Data Center; kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ…
Tài sản tỷ phú Việt có xu hướng giảm nhẹ
Sau khi tăng mạnh trong tháng 1 đầu năm mới 2023, nhiều tỷ phú Việt ghi nhận tài sản tụt giảm trong tháng 2 và có xu hướng đi ngang trong các tháng gần đây.
Tính tới ngày 24/5, theo Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có khối tài sản trị giá 4,3 tỷ USD, thấp hơn so với mức 4,5 tỷ USD ghi nhận vào ngày 27/1 (phiên ngay sau Tết Nguyên đán).
Tỷ phú Trần Đình Long có tài sản giảm đạt 1,8 tỷ USD tính tới ngày 24/5. Ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh cũng ghi nhận tài sản giảm nhẹ (so với bảng xếp hạng hôm 4/4/2023) xuống còn 1,1 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.
Như vậy, theo Forbes, tính đến 24/5/2023, Việt Nam có 6 tỷ phú USD so với con số 7 người trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022.
Các tỷ phú USD người Việt xếp lần lượt theo bảng danh sách của Forbes gồm có: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Hãng hàng không VietJet), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Trần Bá Dương và gia đình (ông chủ của nhà lắp ráp và sản xuất xe ô tô Thaco), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Ngân hàng Techcombank), và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan).
Ông Trần Đình Long vượt lên trên ông Hồ Hùng Anh nhờ cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hồi phục mạnh kể từ tháng 11/2022. Các tổ chức lớn vẫn đổ tiền vào cổ phiếu HPG.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 24/5, cả 6 tỷ phú USD Việt có tổng tài sản khoảng 12,3 tỷ USD, thấp hơn so với mức 18,3 tỷ USD ghi nhận trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022 (không tính 2,9 tỷ USD khi đó của ông Bùi Thành Nhơn).