Yếu tố không thể thiếu
Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 400 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
Theo Quyết định 280, mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ đạt 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đến năm 2030 đạt 150 công trình. Hiện số lượng công trình xanh ở Việt Nam đang ở mức trung bình khá trong khu vực các nước ASEAN.
Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005 – 2010. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED về đánh giá, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Mỹ.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, công nghệ và vật liệu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá các công trình xanh phát triển bền vững. Đặc biệt là thiết kế mặt dựng xanh, một yếu tố quan trọng trong cần được quan tâm để giảm thiểu tác động của xây dựng lên môi trường và đời sống con người.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ xanh đối với mặt dựng của công trình kiến trúc không chỉ liên quan đến chất lượng về thẩm mỹ kiến trúc mà còn thúc đẩy hiệu quả nhiều mặt về tiết kiệm năng lượng. Với thiết kế mặt dựng tối ưu sẽ giúp tiết kiệm năng lượng trong vận hành công trình.
Nhiều giải pháp thi công
Tại khuôn khổ hội thảo “Giải pháp mặt dựng bền vững cho công trình xanh” được tổ chức mới đây, Giám đốc thiết kế môi trường bền vững Worklounge 03 KTS Tim Middleton đưa ra 2 giải pháp thiết kế thụ động nhằm giảm nhiệt hấp thụ bằng các tấm cách nhiệt phản xạ ở phần mái, hoặc tạo nên mái và tường xanh, giảm hiệu suất truyền nhiệt bằng các khoang cách nhiệt.
Trong đó, thiết kế lớp vỏ của công trình dựa trên nguyên tắc đặt công trình theo hướng Bắc – Nam nếu có thể, giảm tỷ lệ cửa sổ ở hướng Đông – Tây, tránh ánh mặt trời chiếu thẳng qua giếng trời (sử dụng cửa sổ trên cao để thay thế), dùng mái có độ phản xạ cao, tăng cách nhiệt mái, che và chắn nắng, dùng kính Low – E/Solar Control hoặc kính 2 lớp.
Thiết kế này có thể tiết kiệm được 20% năng lượng tòa nhà. Thiết kế thụ động trước khi lên ý tưởng sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong xây dựng và sử dụng, có thể giảm năng lượng tại tòa nhà lên đến 60%, chi phí đầu tư sẽ thấp hơn và đạt được hiệu quả cao hơn.
Theo Quản lý cấp cao giải pháp EDGE BOND của Technoform Singapore Amos Seah, qua thống kê sơ bộ tại Việt Nam, mặt kính chiếm đến 90% trong hệ thống tòa nhà thương mại, tỷ lệ này là 70% ở các nhà ở dân cư, phần khung kính làm bằng nhôm cũng hấp thụ nhiệt rất cao nhưng chưa có quy định cụ thể. Nhiều quốc gia như Singapore có quy định khắt khe về kính 2 lớp, mức hấp thụ nhiệt chỉ khoảng 2 – 3%.
Cũng theo ông Seah, giải pháp tối ưu hóa hiệu quả năng lượng của tòa nhà bằng ứng dụng hệ thống mặt dựng hiệu suất cao với giải pháp dẫn nhiệt qua các bức tường mờ đục, dẫn nhiệt qua cửa kính, giảm bức xạ mặt trời qua cửa kính, giảm nhiệt ở khung kính và các mép kính. Vật liệu được sử dụng là kính tráng kính nhiều lớp DGU phủ Low – E, tấm đệm IGU đã cải thiện hiệu suất hấp nhiệt ở bề mặt kính cũng như khung cửa sổ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/mat-dung-ben-vung-cho-cong-trinh-xanh.html