Nhiều chuyên gia, tiến sĩ kinh tế phải lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo vì bị mạo danh mời đầu tư, bán khóa học làm giàu…
Ngày 2-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế – TS Trần Đình Thiên cho biết ông rất bất ngờ khi thấy trên mạng xã hội tràn lan các mẫu quảng cáo lấy hình ảnh của ông để mời đầu tư chứng khoán, bán khóa học đầu tư…. Ông khẳng định “tất cả đều là giả mạo”. Nhiều chuyên gia khác như TS Cấn Văn Lực, TS Nguyễn Trí Hiếu… cũng đau đầu vì bị mạo danh mời gọi đầu tư.
Đủ chiêu mạo danh chuyên gia
Theo ghi nhận, không chỉ 1-2 trang mà hàng loạt quảng cáo sử dụng hình ảnh của những chuyên gia, tiến sĩ kinh tế có tên tuổi mời gọi nhà đầu tư tham gia vào các hội, nhóm đầu tư chứng khoán, làm giàu hoặc bán khóa học.
“Khóa học đầu tư chứng khoán miễn phí do chuyên gia tài chính Trần Đình Thiên tổ chức…” – đó là một mẫu quảng cáo trên Facebook mà vị chuyên gia này cung cấp cho chúng tôi. “Họ lợi dụng hình ảnh của tôi để đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin nhằm lấy thông tin hoặc có những hành vi gian lận, lừa đảo. Mọi người cảnh giác để tránh bị lừa” – TS Trần Đình Thiên bức xúc nhưng cũng không quên nhắc nhở người dùng mạng xã hội.
Tương tự, một số mẫu quảng cáo khác mạo danh TS Cấn Văn Lực với lời rao “tham gia nhóm Zalo của tôi, mỗi ngày chọn một cổ phiếu chất lượng; chọn cổ phiếu tăng giá…”. Đáp lại, chuyên gia này khẳng định đó là thông tin giả mạo.
“Tôi không dùng Facebook và không bao giờ tham gia những chương trình đào tạo và huấn luyện đầu tư đa cấp theo cách giảm giá như vậy. Các nhà đầu tư và người dân phải hết sức lưu ý, tốt nhất là phải kiểm tra chéo. Có thể gọi điện thoại hoặc nhắn tin trực tiếp để kiểm tra” – TS Lực nói.
Ngoài ra, các nhà đầu tư chứng khoán cũng không ít lần bắt gặp các mẫu quảng cáo có hình chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu như: “Tôi là chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trí Hiếu. Tôi sử dụng EMA MACD và STO để xác nhận phạm vi biến động giá và dự đoán xu hướng tương lai. Hầu như không có sai sót, tỉ lệ thắng lên tới 99%! Tỉ suất lợi nhuận vẫn trên 65%…”. Những quảng cáo này đều kèm theo link vào các hội nhóm Zalo, Telegram và khẳng định các chương trình đều miễn phí và do TS Hiếu đứng ra tổ chức, giảng dạy.
Không chỉ các chuyên gia, nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán, chuyên gia phân tích tài chính cũng gặp tình huống đau đầu khi bị mạo danh để mời đầu tư, bán khóa học.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank, nói bản thân ông đã không ít lần bị mạo danh để mời chào nhà đầu tư vào các hội, nhóm chứng khoán; đầu tư hoặc bán sản phẩm, dịch vụ tài chính; hứa hẹn lợi nhuận cao, thậm chí “bao lời, bao lỗ”. Có cả trường hợp các đối tượng dùng công nghệ Deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra hình ảnh, video) để tư vấn nhằm tăng độ tin cậy, chiêu dụ nhà đầu tư…
Hay ông Trần Ngọc Báu, sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty Dữ liệu và Tài chính WiGroup, cũng bị mạo danh rất nhiều trên Facebook, Zalo, TikTok… với các nội dung liên quan đến dạy đầu tư và nhận ủy thác vốn… “Những vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, cuộc sống và công việc của tôi” – chuyên gia này cho biết.
Giải pháp nào?
Ông Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty OneAds Digital, cho biết các quảng cáo trên Facebook cắt ghép, dùng hình ảnh của chuyên gia, người nổi tiếng để bán khóa học, sản phẩm… diễn ra ngày càng phổ biến do việc đăng ký chạy quảng cáo trên nền tảng này rất dễ, chỉ cần có tiền là được.
Còn việc xác minh nội dung quảng cáo, xác thực tài khoản hay các vấn đề khác, Facebook không quan tâm. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Đức cho rằng cơ quan quản lý, nhất là Bộ Thông tin – Truyền thông, cần tạo luồng hỗ trợ người dùng; để khi xảy ra giả mạo, lừa đảo, họ có thể phản ánh và được giải quyết nhanh thay vì báo cáo đợi nền tảng giải quyết. “DN tôi chuyên chạy quảng cáo trên Facebook, TikTok, YouTube nhưng riêng Facebook khi xảy ra quảng cáo giả mạo, chúng tôi không thể xử lý được dù đã báo cáo trên nền tảng. Họ gần như không quan tâm vấn đề này” – ông Đức nói.
Theo chuyên gia bảo mật Phạm Đình Thắng, cần xử lý phần gốc tình trạng mạo danh, lừa đảo trên mạng xã hội. Đó là phải giáo dục, nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội thông qua các diễn đàn, cộng đồng để chia sẻ thông tin, giúp đỡ lẫn nhau trong phòng chống lừa đảo. Ông khuyến cáo người dùng không nên tò mò với những quảng cáo khóa học trên mạng vì phần lớn là lừa đảo.
“Tình trạng quảng cáo mạo danh này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được cơ quan nào tập trung giải quyết. Do đó, người dùng phải tự trang bị cho mình kỹ năng nhận biết thật – giả, cập nhật thường xuyên các hình thức lừa đảo. Nếu có nhu cầu học thêm kiến thức hoặc mua sản phẩm từ quảng cáo trên mạng, người dùng cần liên hệ trực tiếp đến chuyên gia hoặc doanh nghiệp để bảo đảm an toàn, tránh bị mất tiền” – ông Thắng khuyến nghị.
Theo chuyên gia công nghệ Huỳnh Hữu Bằng, ngoài các giải pháp trên, ông đề nghị cần công khai thông tin các chuyên gia về kinh tế, giáo dục… trên các phương tiện truyền thông để người dân biết, từ đó tự cảnh giác, tránh mất tiền cho những khóa học của chuyên gia dỏm. “Nhiều người xưng chuyên gia và tự chạy quảng cáo trên mạng để lôi kéo người dùng tham gia vào các hội nhóm nhằm bán khóa học. Đây cũng là một hình thức lừa đảo. Cơ quan quản lý cần kiểm soát để giảm thiểu rủi ro cho người dân trên không gian mạng” – ông Bằng đề xuất.
TS Trần Đình Thiên cũng nói cần có giải pháp để quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, thay vì để nạn mạo danh tràn lan như hiện nay. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có hành động tích cực và nghiêm khắc, bởi việc này ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của xã hội.
Trước tình trạng quảng cáo mạo danh tràn lan trên Facebook, ông Trần Ngọc Báu đã thẳng thắn chỉ ra cách thức kinh doanh của nền tảng này tại Việt Nam rất thiếu chuẩn mực. “Facebook dường như chỉ tập trung vào doanh thu, trong khi lại lơ là kiểm soát nội dung quảng cáo, gây ra nhiều phiền toái và tổn thất cho các cá nhân, tổ chức bị mạo danh. Trong ngắn hạn, sự thiếu trách nhiệm này đang tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo tài chính gia tăng.
Còn về dài hạn, hệ lụy của những hành vi lừa đảo này không chỉ dừng lại ở thiệt hại vật chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin giữa người Việt với nhau và với thị trường tài chính. Điều này có thể gây tác động tiêu cực sâu rộng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước” – chuyên gia này nói và đề nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề này.
Báo công an được không?
Một chuyên gia kinh tế bị mạo danh kể ông từng liên hệ với cơ quan công an để hỏi cách xử lý khi bị lợi dụng hình ảnh quảng cáo bán khóa học, đầu tư. Phía công an cho biết để xử lý triệt để, cần có sự tố cáo từ những người bị thiệt hại. Do đó, chuyên gia khuyến nghị những nạn nhân mạnh dạn tố giác vụ việc để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý.
Luật sư Bùi Thị Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hành vi giả danh chuyên gia, người nổi tiếng để lừa bán khóa học hay hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Đây là hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần tìm hiểu kỹ trước để tránh bị lừa và nếu gặp trường hợp không may nên tố giác ngay với cơ quan chức năng. Về phía cơ quan nhà nước, cần kịp thời hỗ trợ nạn nhân và siết chặt quản lý các quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Nguồn: https://nld.com.vn/mao-danh-chuyen-gia-noi-tieng-moi-dau-tu-ban-khoa-hoc-196241202210804295.htm