Phát triển thương mại điện tử và câu chuyện “niềm tin” Nền tảng số “Made in Việt Nam”: Nâng tầm nông sản Việt |
Dạo “chợ” TikTok Shop
Chỉ cần mở ứng dụng TikTok là dễ dàng nhận ra, lướt 20 clip đầu tiên trên bảng tin thì có đến 10 clip là livestream bán hàng. Đáng nói, nhiều sản phẩm hàng hóa được quảng cáo, giao bán trên TikTok shop phần lớn là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu… Nhiều chủ shop livestream, quảng cáo là hàng hiệu nhưng giá chỉ từ hàng chục đến hàng trăm nghìn một sản phẩm.
Ứng dung TikTok |
“Dép Hơ mét chỉ hơn 1 triệu đồng, hàng siêu cấp đầy đủ hóa đơn, túi, vải nhé anh em” hay như “Khăn Lu i vút tông hàng hiệu, săn seo, giá chỉ còn 1 triệu, số lượng có hạn, nhanh tay kẻo hết” – đây là những lời giao hàng có cánh của một chủ tài khoản bán hàng online trên TikTok.
Nhằm qua mắt cơ quan chức năng, khi livestream bán hàng hoặc đăng bài bán hàng, các chủ tài khoản thường viết lái đi tên các thương hiệu nổi tiếng. Thay vì ghi Hermès, Louis Vuitton… các chủ shop này sẽ viết tắt/cố tình viết sai chính tả thành HM, Hơ mẹt, Luôn Vui Tươi, Louis Vuituoi, Đi ò… Tìm hiểu trên TikTok Shop cho thấy, những chiếc áo phông nhái thương hiệu Louis Vuitton được bán với giá từ 79.000 đồng đến 250.000 đồng. Hay chiếc đồng hồ được quảng cáo là của hãng Rolex được bán với giá 217.000 đồng…
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, sự phát triển của thương mại điện tử cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.
Tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa
Đánh giá về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên nền tảng mạng TikTok Shop hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhận định, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại điện tử nói chung và TikTok nói riêng đang đối mặt với nhiều hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.
Chưa kể, sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.
Đặc biệt, việc thay đổi chính sách về mức phí thanh toán giúp số lượng gian hàng mới đăng ký trên nền tảng cũng như doanh thu của TikTok ngày một tăng lên. Tuy nhiên, mặt trái của tình trạng trên chính là việc TikTok đang dần trở thành “điểm tập trung” mới của hàng giả, hàng vi phạm.
“Dù TikTok Shop nghiêm cấm các sản phẩm kém chất lượng, gian thương vẫn dễ dàng “lách” chính sách quản lý của nền tảng. Do đó, nếu buông lỏng quản lý, không tăng cường giám sát các chủ hàng và sản phẩm, TikTok sẽ trở thành nơi tập trung của nhiều loại hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng” – ông Trần Hữu Linh nhận định.
Để mạnh tay xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong mua sắm online, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử: Tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch?… bởi chỉ khi kiểm soát được nguồn gốc, mới ngăn chặn triệt để được vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Sau 4 tháng thanh tra, Đoàn kiểm tra Liên ngành của bộ đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm và đưa ra kết luận thanh tra.
Trong kết luận thanh tra, Đoàn kiểm tra Liên ngành đặc biệt đề nghị Bộ Công Thương có biện pháp xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam. Cụ thể, có giải pháp, công cụ nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định…
Đồng thời, đề nghị có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật và có công cụ và biện pháp kiểm soát theo từ khóa và lọc thông tin theo từ khóa trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị trên ứng dụng.