Hàng loạt công cụ giúp tra cứu nhanh các khoản tiền ủng hộ hậu bão Yagi
Đêm 12/9, Ban Phong trào - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã công khai tài liệu gồm hơn 12.000 trang sao kê các khoản tiền ủng hộ đồng bào gặp thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra.
Thống kê đến 17h ngày 12/9, số tiền các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 527,8 tỷ đồng.
Nội dung sao kê số tiền ủng hộ được MTTQ chia sẻ dưới dạng file tài liệu lưu trữ trên Google Drive. Nhưng do dữ liệu quá lớn, lên đến hơn 12.000 trang, việc tra cứu các khoản tiền đóng góp của cá nhân, tập thể gặp nhiều khó khăn.
Trước tình trạng này, nhiều hội nhóm chuyên về công nghệ thông tin và các lập trình viên đã nhanh chóng xây dựng những công cụ giúp người dùng có thể tra cứu nhanh những khoản đóng góp của từng cá nhân, tập thể.
Những công cụ tra cứu này được xây dựng dựa trên dữ liệu do MTTQ chia sẻ, cho phép người dùng tra cứu nhanh các khoản tiền đóng góp thông qua mã giao dịch chuyển khoản, tên người đóng góp hoặc số tiền đã đóng góp…
Các nhóm tác giả đứng sau những công cụ kiểm tra khoản đóng góp cho biết sản phẩm của mình sẽ liên tục được cập nhật thông tin những khoản đóng góp theo dữ liệu mới nhất do MTTQ chia sẻ để giúp người dùng có thể tìm kiếm, xác minh các khoản đóng góp được dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Dân mạng phát hiện nhiều người "sống ảo"
Ngay sau khi các công cụ giúp kiểm tra các khoản tiền đóng góp chống bão được ra mắt, nhiều cư dân mạng đã sử dụng những công cụ này để kiểm tra lại khoản đóng góp của các nhân vật nổi tiếng, những người đã chia sẻ lên mạng xã hội về số tiền hàng trăm triệu hay thậm chí hàng tỷ đồng mà họ khẳng định đã chuyển khoản cho MTTQ để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại sau bão.
Tuy nhiên, sự thật "dở khóc, dở cười" lúc này mới được hé lộ, khi dân mạng phát hiện ra không ít người nổi tiếng đã "sống ảo" về khoản đóng góp và số tiền thực tế mà họ đã chuyển khoản đến MTTQ thấp hơn rất nhiều so với những gì mà họ đã "khoe" trên mạng xã hội.
Có trường hợp bán đấu giá sản phẩm với mục đích làm từ thiện, nhưng sau khi sản phẩm bán được với giá 10 triệu đồng, chủ sở hữu của sản phẩm đó lại không dùng tiền để ủng hộ như những gì mình đã tuyên bố mà chỉ đóng 100.000 đồng, rất ít so với số tiền thu được từ việc bán đấu giá.
Thậm chí, có không ít trường hợp bị phát giác nhận tiền của tập thể để đóng góp ủng hộ, nhưng sau đó chỉ đóng góp một phần rất nhỏ.
Nhiều cư dân mạng hài hước cho rằng những công cụ kiểm tra số tiền ủng hộ như cách để dân mạng "check VAR" và phát hiện những hành vi "sống ảo" hoặc ăn chặn tiền từ thiện…
Tranh cãi về việc kiểm tra, tra cứu tiền ủng hộ
Các công cụ giúp kiểm tra số tiền ủng hộ được nhiều người dùng hưởng ứng và sử dụng tích cực để kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận tiền từ thiện. Tuy nhiên, những công cụ này cũng gây ra không ít tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Nhiều người cho rằng những thông tin về người đóng góp và khoản tiền từ thiện vẫn còn thiếu minh bạch, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể và cá nhân.
"Hãy thử tưởng tượng một người nào đó mạo danh cá nhân, tập thể và chuyển khoản một số tiền rất ít, với mục đích làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của cá nhân, tập thể đó thì sẽ thế nào?", một người dùng mạng xã hội Facebook bình luận và nhận được nhiều sự đồng tình từ cư dân mạng.
Một vài cư dân mạng cho rằng nếu cá nhân, tập thể nào bị phát hiện đóng góp số tiền không đúng với những gì mình đã thực sự ủng hộ thì có thể chia sẻ lại biên lai chuyển khoản để chứng minh cho sự "trong sạch" của bản thân.
Dù vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, cộng đồng mạng vẫn đánh giá rất cao động thái công khai, minh bạch số tiền đã được ủng hộ của MTTQ, giúp mọi người có thể nắm rõ hơn về số tiền đã được cộng đồng ủng hộ nhằm giúp người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra và ổn định cuộc sống.
"Check VAR" là gì?
VAR - Video Assistant Referee hay còn gọi là công nghệ VAR, là công nghệ tiên tiến được áp dụng vào các giải đấu bóng đá lớn. Đây là một công nghệ ghi hình lại diễn biến trong trận đấu, công cụ hỗ trợ giúp trọng tài xác định được các lỗi diễn ra trong các tình huống thi đấu, va chạm...
Khi giới trẻ vận dụng vào ngôn ngữ đời sống hàng ngày, cụm từ "check var" được hiểu là kiểm tra, kiểm chứng lại thông tin.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/mang-xa-hoi-tranh-cai-ve-cong-cu-check-var-tien-ung-ho-tu-thien-20240913150554673.htm
Bình luận (0)