Mọi người con đất Việt đều có cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi đặt tay lên ngực trái cất cao những câu hát: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc”…
Tiết mục “Tiến quân ca” ấn tượng trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Ban tổ chức
Màn trình diễn đồng ca ấn tượng
Trong chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, một trong những ấn tượng đậm nét với công chúng là màn đồng diễn “Tiến quân ca” – bài Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam với số lượng nghệ sĩ tham gia đông đảo.
Không khó để tìm ra những dòng cảm thán đầy cảm xúc, tự hào khi nói về chương trình. “Xúc động, tự hào quá”. “Ba tiết mục cuối đầy cảm xúc và thật đặc biệt”. “Dàn nhạc chơi rất hay, ấn tượng”. “Sân khấu mở quá tuyệt vời, dàn dựng cực kỳ công phu”. “Nhạc Văn Cao nghe mà nổi gai ốc”… Đó là cảm nhận của những người xem chứng kiến tiết mục đặc biệt.
Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ: “Có lẽ đây là chương trình tôi gặp nhiều khó khăn nhất kể từ khi bước vào nghề đạo diễn, vì hình thức tổ chức như thế này chưa ai làm bao giờ. Chưa bao giờ có ai tổ chức một chương trình mà sân khấu cả ở trong và ngoài Nhà hát Lớn, truyền hình cũng phải làm hai xe màu cùng một kiểu. Âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật cũng chưa bao giờ tổ chức hai chương trình cùng một lúc vì sẽ xảy ra quá nhiều sự cố và tình huống bất ngờ”.
“Với quy mô của hai tiết mục đó, chúng tôi phải nhờ tới sự góp sức của 200 chiến sĩ bộ đội. Tổng những người tham gia chương trình là xấp xỉ 1.000 người, riêng quần chúng tham gia bên ngoài Nhà hát đã 450 người, các dàn nhạc và hợp xướng bên trong Nhà hát là hơn 100 người. Trong 450 người bên ngoài có các chiến sĩ bộ đội, diễn viên múa, cựu chiến binh cùng rất nhiều thành phần khác. Đây thực sự là những đại cảnh mang tính cộng đồng đúng nghĩa. Mọi người đều cảm thấy rất vui và vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ bé để thực hiện hai tiết mục này” – Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam trao đổi.
Tiết mục “Tiến quân ca” ấn tượng trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Ban tổ chức
“Tiến quân ca” theo cách thức mới mẻ
Đây không phải lần đầu bài “Tiến quân ca” đến với công chúng theo một cách thức mới mẻ khác với quan niệm truyền thống. Sau khi Quốc hội sửa đổi Luật Sở hữu Trí tuệ theo hướng “không cá nhân, tổ chức nào được phép ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”, một số ca sĩ – với tình yêu và cảm xúc tự hào, trân quý ca khúc – đã đưa ra những bản phối mới bài “Tiến quân ca”.
Vào dịp Giải phóng Thủ đô 10.10.2021, ca sĩ Tùng Dương đã ra mắt bài “Tiến quân ca” phiên bản solo. Bản thu âm này được nhận xét là “hào sảng, phơi phới mãnh liệt theo phong cách Tùng Dương”, và lần đầu tiên có một phiên bản Quốc ca thể hiện theo phong cách hát đơn (trước đó các bản ghi khác đa phần là theo hình thức đồng ca hoặc tốp ca).
Trước đó, tháng 5.2016, ca sĩ Mỹ Linh cũng từng có cơ hội thể hiện bài “Quốc ca Việt Nam” trong sự kiện Tổng thống Mỹ – Barack Obama sang thăm Việt Nam. Khi trình diễn, Mỹ Linh mặc chiếc áo dài thuần Việt, thể hiện ca khúc theo phong cách thính phòng không có nhạc đệm.
Dù một số người phàn nàn về cách hát của Mỹ Linh, nhưng những người trong nghề lại đánh giá cao những sáng tạo của cô. Nhạc sĩ Trí Minh nói: “Tôi thấy phần trình diễn của Mỹ Linh thực sự chạm vào những cảm nhận về quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc. Để đánh giá chuẩn xác về phần trình diễn của một tác phẩm, người nghe và xem phải cảm nhận được không gian cũng như môi trường mà người nghệ sĩ thể hiện. Mỗi một nốt nhạc, bản nhạc người nghệ sĩ đưa ra đều là những điều tuyệt vời và hay nhất của họ. Vì thế, tôi thấy phần trình diễn của Mỹ Linh rất thành công vì đó là một cảm xúc tự nhiên, chân thành nhất của cô ấy lúc bấy giờ”.
Giống như mọi người con đất Việt đều có cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi đặt tay lên ngực trái cất cao những câu hát: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”, dù có làm mới đến đâu thì những phiên bản Quốc ca sau này đều phải giữ tinh thần của nguyên gốc, đó là sự hào sảng, phơi phới mãnh liệt.
Là người đào sâu vào kho tư liệu đồ sộ của âm nhạc, hội họa và thơ Văn Cao, chắt lọc ra những gì tinh tuy nhất mang vào chương trình “Đàn chim Việt”, đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ như rút ruột: “Con người thiên tài và khiêm nhường ấy đến lúc cuối đời vẫn không bao giờ nói ca khúc của ông phải hát thế này thế kia mới đúng. Ông chỉ ước nhạc của mình được cuộc đời thương, chấp nhận và ngân lên bất kỳ cách nào”.
“Hôm nay thì các bài hát của ông đã ngân nga trong mỗi con người Việt theo cách của mình, không có chuẩn chung nào. Nhưng nó đều sẽ ở trong một ước mơ của riêng ông, cũng nói lên thông điệp và biểu tượng của sự hoà hợp dân tộc Việt và đoàn kết thành sức mạnh, từ nay người biết yêu người”.
Laodong.vn