Những ngày trung tuần tháng tư, dạo quanh vài cung đường nội đô Đà Lạt, như: Trần Hưng Đạo, Hồ Tùng Mậu, Phạm Ngũ Lão, Hùng Vương, Trần Phú… Hay vào giữa những đồi thông nội ô, nhiều người thích thú khi được ngắm, ghi hình kỷ niệm với hoa mai anh đào “lạc mùa”.
Đang ghi hình mùa hoa mai anh đào “lạc khai”, ông Lê Hữu Phước (60 tuổi), người sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt chắc nịch: “Tôi chưa thấy chuyện này (mai anh đào khoe sắc giữa mùa khô – PV) bao giờ. Có lẽ, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu?! Nhưng chuyện lạ này đã mang lại thích thú cho người dân địa phương và du khách”. |
Chị Nguyễn Nghĩa (49 tuổi, ngụ phường 3, thành phố Đà Lạt; người đang chụp ảnh), tay máy chuyên “săn” ảnh những mùa hoa mai anh đào trên phố núi Đà Lạt, chia sẻ: “Hằng năm, khi cao nguyên Langbiang vào mùa nắng lạnh, thường vào đầu mùa xuân, mai anh đào bung nụ, khoe sắc. Năm nay, lần thứ hai mình được ngắm và “săn” bộ ảnh loài hoa sắc hồng pha tím lãng mạn này”. |
Ông Lê Hữu Phước và chị Nguyễn Nghĩa xem lại những tấm ảnh mai anh đào vừa chụp. |
Cùng với những cư dân Đà Lạt, trên những cung đường thắm sắc hoa hồng pha tím, nhiều không gian công cộng trên thành phố cao nguyên, nhiều du khách thích thú ghi hình kỷ niệm. “Mình và nhóm bạn thường hẹn hò lên Đà Lạt mùa hoa mai anh đào dịp đầu xuân. Tháng 2 năm nay bọn mình bị lỡ hẹn với loài hoa này, không ngờ giờ có chuyến trải nghiệm thú vị”, chị Trần Lệ Hà, đến từ tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ. |
Gắn bó với miền đất thăng hoa, thành phố hoa mai anh đào, thành phố tình yêu này gần 30 năm, tôi thường được thưởng thức, chiêm ngưỡng loài hoa đỏng đảnh “như môi hồng người mình yêu” nở vào đầu mùa xuân, cuối tháng 12 hoặc từ tháng 1 đến tháng 2, tùy theo tiết trời hàng năm. |
Năm nay, nhiều không gian hoa mai anh đào từ trung tâm đến ngoại ô Đà Lạt không rộ sắc như nhiều năm trước. Nhất là không gian mai anh đào quanh hồ Xuân Hương, đường Trần Hưng Đạo… làm nhiều người tiếc nuối. (Trong ảnh: Những cây mai anh đào bên hồ Xuân Hương đã ra lá, lỗi hẹn với mùa xuân Đà Lạt). |
Bỗng dưng, cuối mùa khô Tây Nguyên, khi đất trời bắt đầu chuyển mùa. Nắng hanh hao, bầu trời xanh thẳm, hoa mai anh đào lại bung cánh, khoe sắc. Phố núi Đà Lạt rạo rực hơn khi đón những bước chân lữ khách ngắm hoa mai anh đào. |
“Giữa tháng tư, Đà Lạt nồng nàn sắc hồng. Lạ, lạ thật!”, nhiều người ngắm hoa mai anh đào đều thảng thốt. |
Theo một số tài liệu, mai anh đào có tên khoa học là prunus cerasoides, họ hoa hồng (rosaceae), chi mận mơ (prunus), phân chi anh đào (cerasus). Mai anh đào được dẫn nguồn là “prunus cerasoides D. Don”. D. Don là David Don (1799-1841), nhà thực vật học Scotland, được cho là người đầu tiên phân loại và mô tả mai anh đào trong cuốn sách viết bằng tiếng Latin Prodromus florae nepalensis (Các loài hoa thu thập được ở Nepal) xuất bản ở London năm 1825. |
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mai anh đào là loài cây phổ biến ở vùng Đông Á, những nơi có độ cao trên 1.000m. |
Nhiều người Đà Lạt gọi cây hoa này là “mai” theo nghĩa “trái mai”, “trái mơ”. Có lẽ, vì đây là loài thực vật thuộc chi mận mơ và phân chi anh đào, nhưng có hoa đơn năm cánh giống hoa mai. Sau này, loài hoa “vừa đào, vừa mai” này được gọi tên là “mai anh đào”?! |
Tạm gác chuyện “gốc gác” loài hoa này, một lần nữa trong năm 2024, nhiều người được “say” với giấc mộng đào hoa. Được chiêm ngưỡng loài hoa sắc hồng pha tím lãng mạn trong âm giai: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa/Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai…”. |
Cùng với “chuyện lạ” hoa mai anh đào bung nở vào cuối xuân, hiện trên thành phố cao nguyên Đà Lạt, nhiều cây phượng vĩ (phượng đỏ) cũng đã đua nhau thắp lửa giữa nền trời xanh thẳm. |
Loài hoa báo hè, hoa học trò thường ép vào trang lưu bút nở sớm đã làm bao con tim xao xuyến. Ngang qua những ngôi trường, không gian công cộng… cứ ngỡ hạ sang. |
Năm nay, Đà Lạt mang đến cho cư dân bản địa và du khách bao điều thú vị. Thời điểm chuẩn bị giao mùa xuân-hạ, được đắm đuối cùng sắc hoa mai anh đào, phượng tím và phượng đỏ. Quả là điều lạ xưa nay trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt. |