(QBĐT) - Tự bao giờ, hò khoan được ví như dòng nước Kiến Giang miệt mài, êm ả, chảy mãi trong tâm khảm, ký ức của người dân Lệ Thủy tựa mạch nguồn vô tận của mùa xuân. Để rồi thời gian nối tiếp thời gian, đời người tiếp bước đời người, mạch nguồn đó cứ tuôn chảy không ngơi nghỉ, neo đậu những mảnh ký ức của từng người con xa quê và bén rễ sâu hơn trong tâm hồn của biết bao người ở lại…
1. Cụ bà Phạm Thị Thỏa (xã An Thủy, Lệ Thủy) bước sang tuổi 86 vào xuân Ất Tỵ này, trí nhớ đã phôi phai theo thời gian, lúc nhớ, lúc quên, duy chỉ có điệu hò khoan xứ sở là vẫn còn được cụ nhớ mãi vẹn nguyên. Tuổi cao, sức yếu nhưng ngày nào cụ cũng thích nghe hò khoan Lệ Thủy từ chiếc tivi nhỏ đặt ở phòng khách. Không chỉ nghe, cụ còn hát theo và nhớ rõ từng làn điệu, ca từ của nhiều bài hò khoan cổ.
Anh Mai Đức Hải, con trai cụ Thỏa chia sẻ, thời trẻ, cụ thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hát hò khoan ở thôn, nên từng điệu hò, câu hát đã “ngấm vào máu”, “hằn sâu trong ký ức” và giờ đây trở lại như một ký ức đẹp của thời thanh xuân. Mỗi khi có khách đến nhà, cụ còn vỗ tay bắt nhịp, hát các điệu hò khoan, ánh mắt mờ đục lấp lánh niềm vui.
Ông Dương Ngọc Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Lệ Thủy, người nhiều năm tâm huyết với hò khoan tâm sự, những người như cụ Thỏa chính là minh chứng rõ nét cho sức sống lâu bền của hò khoan xứ Lệ trước bao đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Và ở mỗi làng quê bên dòng sông Kiến Giang, vẫn còn đó những “báu vật sống” về tình yêu dành cho điệu hò quê hương và là “gạch nối” quan trọng để trao truyền, lưu giữ vốn quý di sản đến với thế hệ sau. Thêm một tín hiệu vui là ngày càng có nhiều câu lạc bộ (CLB) về hò khoan Lệ Thủy được thành lập, tiếp tục duy trì, gìn giữ di sản của cha ông để lại.
|
2. Những ngày trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý (xã Phong Thủy, Lệ Thủy) tất bật hơn mọi năm, bởi bà cùng các thành viên CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy tích cực phối hợp với hai trường THPT trên địa bàn huyện chuẩn bị các tiết mục hò khoan.
Bận rộn là thế, nhưng bà và các nghệ nhân trong CLB rất vui, hạnh phúc bởi hò khoan vẫn được yêu mến và tiếp tục được trao truyền cho thế hệ sau. Bà hồ hởi kể, cuối tháng 11 vừa qua, sau nhiều chuẩn bị, tập luyện chu đáo, CLB Hò khoan Lệ Thủy của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã được thành lập, thu hút đông đảo sự quan tâm của các thầy cô, học sinh tham gia. Sự ra mắt CLB được ví như một “đóa hoa xuân” tô thắm cho bức tranh làng quê xứ Lệ thêm sống động, rộn ràng.
Trước đó, vào tháng 7/2024, CLB đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện tập huấn hò khoan cho nhiều địa phương, đơn vị, như các CLB hò khoan Lệ Thủy ở xã Ngư Thủy, Dương Thủy, Lộc Thủy, các trường cấp hai… Thay vì chỉ tập huấn một địa điểm, ít người có điều kiện tham gia như cách truyền thống, CLB tuy phải đến nhiều nơi, vất vả hơn nhưng lại có thể tập huấn cho đông đảo bà con yêu thích hò khoan, chưa kể có thể “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng câu hò, điệu hát. Hiệu quả vì thế cũng tăng lên rõ rệt. Hơn 1 tháng trời, nghệ nhân Hải Lý và một số thành viên CLB đã tập huấn cho hơn 120 người.
Nghệ nhân Hải Lý hào hứng chia sẻ, gia đình bà có thể gọi là “gia đình hò khoan”, bởi mấy năm nay, bên cạnh 2 vợ chồng bà, anh trai bà, còn có thêm con trai Ngô Văn Diễn cũng là một người đam mê và hò khoan rất hay, chơi được các nhạc cụ cùng tham gia sinh hoạt ở CLB. Anh Diễn còn có con gái cũng yêu thích và nỗ lực quảng bá hò khoan. Ngoài ra, các con cháu bên đằng nội, ngoại cũng đều “mê mẩn” và hát hò khoan “đúng chất”.
“Năm qua, CLB đầu tư hơn 30 triệu đồng để sắm mới các nhạc cụ phục vụ tập luyện, biểu diễn. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn, mạch nguồn hò khoan vẫn chưa bao giờ cạn mà sẽ tiếp tục được tuôn chảy mãi”, nghệ nhân Hải Lý tâm sự.
3. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, CLB Hò khoan Lệ Thủy thành lập từ năm 2019 vẫn tiếp tục duy trì “ngọn lửa”, đưa di sản đến gần hơn với bạn bè phương Nam. Chị Hoàng Oanh Oanh, Phó Chủ nhiệm CLB Hò khoan Lệ Thủy tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Từ năm 1943-1955, cha tôi-thầy giáo, nhạc sĩ Hoàng Đình Luyện đã âm thầm sưu tầm lưu giữ hò khoan Lệ Thủy. Năm 1964, khi nghỉ hưu, từ miền Bắc, ông trở lại quê nhà (Lệ Thủy) và tham gia thành lập, sáng tác, truyền dạy hò khoan cho CLB văn nghệ của các xã trong huyện, nổi bật là các xã: Thanh Thủy, Dương Thủy, Ngư Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy với các giải cao trong hội diễn toàn quốc, quân khu và cấp tỉnh.
Hò khoan đã đi sâu trong đời sống nhân dân huyện Lệ Thủy nên khi xa quê ai cũng mang theo trong lòng làn điệu dân ca quê nhà. Chính vì vậy, khi CLB chúng tôi đi biểu diễn phục vụ đồng hương ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang… đều được hưởng ứng nhiệt liệt và kết nối lan tỏa được tình yêu hò khoan đến với đông đảo công chúng. Hiện tại, CLB có 10 thành viên. Sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ kết nạp thêm 4 thành viên ở khu vực lân cận TP. Hồ Chí Minh. Tham vọng của tôi là lan tỏa hò khoan Lệ Thủy đến các tỉnh, thành khu vực khác thì phải có các hạt nhân tốt của CLB ở những khu vực đó”.
Tiết trời xuân khiến lòng người luôn tươi mới với những dự định, kế hoạch cho tương lai. Phải chăng vì thế mà điệu hò khoan Lệ Thủy lại càng thêm ấm nồng và hân hoan đến lạ! Với mạch nguồn được khơi thông, chắc hẳn di sản quý này sẽ tiếp tục được lan tỏa, trao truyền đến các thế hệ sau bởi chính những nghệ nhân, con người đam mê và một lòng vì hò khoan xứ Lệ. Chỉ mong rằng, một dịp nào đó, hò khoan Lệ Thủy sẽ có những sân khấu lớn hơn, có nhiều cơ hội để giới thiệu cái hay, cái đẹp, cái tình vốn đã tạo nên một di sản phi vật thể cấp quốc gia độc đáo.
Mai Nhân
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/mach-nguon-ho-khoan-2224412/
Bình luận (0)