Nam bệnh nhân 39 tuổi (ở Sơn La) bị hẹp bao quy đầu từ nhỏ nhưng không can thiệp điều trị. Cách đây hơn 1 năm, bệnh nhân xuất hiện viêm tấy và loét lâu lành, có sẩn, nốt đổi màu sắc ở vùng bao quy đầu. Đọc trên mạng thấy dấu hiệu giống sùi mào gà, anh nghĩ mình mắc bệnh xã hội.
Tuy nhiên, anh không đi bệnh viện thăm khám và điều trị mà tự đắp và bôi thuốc theo mách bảo của bạn bè. Chỉ khi “cậu nhỏ” đau nhức, chảy dịch, đi tiểu đau buốt bệnh nhân mới trở lại bệnh viện.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tại thời điểm nhập viện, “cậu nhỏ” của bệnh nhân sưng nề, sùi loét dẫn đến bí tiểu, tiểu khó.
Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dương vật, có hạch bẹn nhưng do bệnh nhân đến muộn nên phần bao quy đầu đã bị sùi loét nặng. Sau khi sinh thiết, bác sĩ buộc phải cắt một phần “cậu nhỏ”, nạo vét hạch cho bệnh nhân.
Bác sĩ Quang cho biết hầu hết bệnh nhân đều đến viện ở giai đoạn muộn, nên hầu hết phải can thiệp cắt bỏ một phần “cậu nhỏ”. Trong đó trường hợp nghiêm trọng nhất, phải cắt bỏ toàn bộ bộ phận sinh dục bao gồm dương vật, bìu, tinh hoàn…
Với những bệnh nhân bị cắt một phần “cậu nhỏ”, sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong sinh hoạt bình thường cũng như sinh hoạt tình dục. Việc mất đi phần bao quy đầu – bộ phận nhạy cảm cảm thụ chức năng sinh dục sẽ làm giảm khoái cảm, đồng thời khi đi tiểu sẽ bị rỉ nước tiểu do miệng sáo không còn đóng mở được như bình thường.
Khi cắt hoàn toàn dương vật, người bệnh sẽ không thể quan hệ tình dục thông thường, phải sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản nếu muốn có con. Mỗi khi đi tiểu, bệnh nhân sẽ phải ngồi hoặc nằm sấp để đi.
Triệu chứng ung thư dương vật biểu hiện ở vết loét, viêm nhiễm bất thường, tiết dịch mủ có mùi hôi hoặc chảy máu bất thường từ dương vật hoặc dưới bao quy đầu, sưng đau dương vật, hạch bẹn…
Thu Hiền