MỘT CÁNH TAY, MỘT TRÁI TIM
Má Tuyết tên đầy đủ là Võ Thị Tuyết, năm nay 56 tuổi, đang là giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (108 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM). Bị mất một cánh tay phải từ năm hơn 1 tuổi do bom đạn trong chiến tranh, khi lớn lên, dáng đứng của cô Tuyết cũng luôn bị lệch về bên phải. Đó là ảnh hưởng từ suốt nhiều năm cô làm việc nhà, chăm sóc, ẵm bồng 5 người em của mình với chỉ một bên cánh tay trái còn lại. Để cho em có điểm tựa, cô luôn phải choãi người sang bên phải.
Đến quan sát một giờ can thiệp sớm của cô giáo Võ Thị Tuyết ở trung tâm, nhiều người lặng đi trước hình ảnh cô giáo dáng người nhỏ xíu, khó nhọc ẵm đứa trẻ hiếu động, lưng vẹo sang một bên. Có một ngày, học trò lâu ngày gặp lại cô Tuyết đã cắn vai cô đến chảy máu. Đau quá, cô Tuyết khóc. Nhưng trong giọt nước mắt cũng có niềm vui, khi đứa trẻ đã có nhận thức về tình cảm dành cho cô giáo.
“Tôi chỉ có một cánh tay trái, và suốt nhiều năm tháng tuổi thơ, ở xã Phú Điền, H.Tân Phú, Đồng Nai, tôi cứ hỏi ba mẹ rằng sao ba mẹ không ở nơi không có bom đạn để tôi có hai tay như các bạn. Nhưng ba tôi trả lời ba và mẹ đã từ trong chiến tranh trở về. Để có hòa bình như ngày hôm nay, ông nội tôi và rất nhiều đồng đội đã hy sinh. Tôi chỉ mất một cánh tay, nhưng tôi còn sống, tôi thông minh, đó là một điều rất quý giá rồi. Phải sống sao cho thật đáng sống”, cô Tuyết bộc bạch về cuộc đời mình.
Có một cánh tay, cô Tuyết vẫn được mẹ dạy nấu cơm, làm cá, ẵm em, một mình vẫn có thể kéo, nhấc được chiếc nồi gang nặng trịch lên bếp củi. Ba dạy cô đạp xe, mỗi ngày phải đạp đi lẫn về 50 km, băng qua nhiều quả đồi gập ghềnh để tới trường cấp 3. Số phận thử thách không biết bao lần nhưng cô Tuyết vẫn vươn lên để có thể đứng vững trên đôi chân của mình với nghề giáo mơ ước.
ĐIỂM TỰA CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ CON KHUYẾT TẬT
Tốt nghiệp cử nhân sư phạm văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô Tuyết từng làm việc tại một cô nhi viện ở Đồng Nai. Trở lại TP.HCM, cô gắn bó với Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (trước đây có tên là Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật) hơn 20 năm nay.
Cô Tuyết vừa học vừa làm suốt nhiều năm qua và hiện có văn bằng hai ngành giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cô giáo có một cánh tay cũng hoàn thành nhiều khóa học, có các chứng chỉ của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về giáo dục trẻ gặp khó khăn trong học tập; hoàn thành khóa học về chương trình “Can thiệp sớm” cho trẻ khuyết tật trí tuệ; khóa học “Tâm lý trị liệu hệ thống gia đình” của Bỉ, kết hợp với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học trong 3 năm rưỡi. Cô còn là học viên của lớp học thực hành “Tâm vận động”, chương trình do Bỉ tổ chức.
Nhà ở xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn, TP.HCM, ngày nào cô Tuyết cũng phải rời nhà từ 5 giờ rưỡi sáng, với một cà mên cơm, đi bộ ra bến xe buýt, đi 2 tuyến xe mới tới chỗ làm và tối muộn mới trở về nhà. Nhưng cô chia sẻ vẫn muốn học để giúp được nhiều hơn nữa cho trẻ khuyết tật.
“Làm việc với trẻ khuyết tật, không phải chỉ cần trái tim bao dung, yêu thương, mà còn cần một trí tuệ hiểu biết đúng đắn. Để tất cả những gì mình hỗ trợ, giáo dục cho các em, mình trò chuyện, tư vấn với phụ huynh đều dựa trên các căn cứ khoa học. Yêu thương mà sai cách là có tội với trẻ em”, cô Tuyết nói.
Cô giáo 56 tuổi đến nay vẫn còn nhớ rõ câu chuyện một phụ huynh. Hai vợ chồng rất thành đạt, họ sinh ra một bé gái bị hội chứng Down. Tuyệt vọng, không chấp nhận con, ít nhất 3 lần người vợ đã từng nghĩ đến chuyện chấm dứt sự sống của đứa bé, nhưng không thành. Chị từng đứng trên lầu cao bệnh viện, định gieo mình xuống khoảng không tối thẫm phía dưới, nhưng chính tiếng khóc thét của con gái đã giúp chị rụt chân lại. Buổi tư vấn hôm ấy, cô Tuyết chưa vội đưa ra những lời khuyên khoa học về cách chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ bị Down. Cô kể với người mẹ về hành trình của mình, đứa trẻ chỉ có một cánh tay đã lớn lên giữa ruộng vườn mịt mù ở Phú Điền, H.Tân Phú, Đồng Nai, và tình yêu thương vô bờ của ba mẹ đã cho cô cuộc đời hôm nay.
Đột nhiên, người mẹ ấy bật khóc, ôm cô Tuyết cứ thế nức nở và cảm ơn cô. Với nhiều người mẹ, người cha, sinh con ra là một đứa trẻ đặc biệt, một em bé khuyết tật, họ khó có thể chấp nhận hiện thực ấy và không biết cần làm gì, bắt đầu từ đâu để sống. Cô Tuyết cho họ một điểm tựa. Cô luôn nhấn mạnh trẻ khuyết tật cần can thiệp sớm. Càng được can thiệp sớm, trẻ càng có bước tiến bộ đáng kể, các em học được kỹ năng tự phục vụ, tự chăm sóc được cho bản thân và đóng góp được nhiều điều cho xã hội.
“Dù thế nào con cũng là con của ba mẹ”
Mỗi học trò được cô Tuyết kèm cặp, hỗ trợ đều gọi cô là “má”, cô Tuyết không nhớ mình đã có tất cả bao nhiêu người con, không chỉ ở TP.HCM mà nhiều tỉnh thành cô đã đi qua, trong suốt hơn 20 năm làm nghề.
Ngày 20.11 tri ân nhà giáo mỗi năm, nhiều học trò được ba mẹ dẫn về trung tâm để thăm cô. Có những em bé đứng từ dưới sân, nhằm đúng hướng phòng làm việc của cô mà gọi lớn “Má Tuyết ơi, con nè”. Cô cất giữ tất cả những tấm thiệp mà các học trò tặng mình, dẫu chúng chỉ là những hình trái tim được vẽ nguệch ngoạc, những bông hoa được tô màu vụng về, nhưng cô biết đó là cả một hành trình dài nỗ lực của các con. Có một lần, cậu học trò làm văn miêu tả, đề bài là tả một người em yêu quý, cậu bé tự kỷ chức năng tả cô Tuyết xúc động như thế này: “Cô giáo em tên là Tuyết. Cô giáo em có một tay. Cô giáo của em hát hay lắm. Cô biết chơi 5, 10, cô biết làm bò, còn biết chơi cầu tuột…”.
“Với tôi, tất cả những lá thư, tấm thiệp, hay những cuộc điện thoại lúc nửa đêm của phụ huynh khoe “cô ơi, con em biết nói rồi”, “cô ơi, con em biết tự tắm rồi”… là những món quà quý giá nhất. Giống như là phụ huynh đang mời tôi ăn một bữa ăn sang trọng, khiến tôi cứ lâng lâng”, cô giáo xúc động.
Cô giáo vừa được giải thưởng Võ Trường Toản của ngành giáo dục TP.HCM cho biết cô mong được nói một điều gì đó trong ngày đặc biệt này. Lời nói là tiếng lòng của những em bé được giáo dục đặc biệt – giáo dục hòa nhập: “Ba mẹ ơi, ba mẹ hãy yêu thương con đi, con có thế nào cũng là con của ba mẹ. Nếu con được yêu thương, dạy dỗ đúng cách thì con cũng có những điểm hay của con, con cũng sẽ có những điều để ba mẹ yêu thương con nhiều hơn”…
Con gái đi theo hành trình của mẹ
Cô Tuyết có một mái ấm hạnh phúc với người chồng hết lòng thương yêu vợ và 2 người con hiếu thảo. Con trai út đang làm trong ngành nhà hàng, khách sạn. Con gái lớn của cô – cảm phục người mẹ chỉ có một cánh tay nhưng luôn hết lòng vì những em bé khuyết tật – đã học trong ngành khoa học sức khỏe và hiện đang là kỹ thuật viên tại Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật 38 Tú Xương, Q.3, TP.HCM.