Lấy chồng thuộc tộc Amish, đám cưới chỉ tốn 100 đô
Trong hình dung của Nguyễn Yến Nhi (sinh năm 1988) về nước Mỹ, chưa từng có khái niệm về cộng đồng người Amish. Đến khi yêu và trở thành vợ của John Lapp (sinh năm 1984), Nhi mới biết giữa lòng nước Mỹ xa hoa, hiện đại lại có một tộc người trung thành với lối sống tối giản, từ chối gần như mọi tiện nghi của nhân loại.
Tộc người này không sử dụng điện lưới trong nhà, không dùng tivi, radio, không chụp ảnh, không dùng pin sạc, không dùng máy tính kết nối mạng hay điện thoại di động… Cả cộng đồng đi lại chủ yếu bằng xe ngựa, coi nông nghiệp và nghề mộc là nền tảng cơ bản.
Họ cho rằng, công nghệ và lối sống công nghiệp của thế giới hiện đại sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, khiến các thành viên trong cộng đồng xa cách nhau. Thế nên, họ chủ động sống tách biệt và bảo toàn những nét văn hóa riêng.
John cũng sống như những người Amish khác, cho đến năm 2018. Anh chỉ học hết lớp 9 và đi làm nghề mộc, dựng nhà gỗ. John không được phép lái xe, không sở hữu ô tô. Thi thoảng đi đâu xa, anh mới được phép sử dụng các phương tiện công cộng.
Vì không dùng điện nên nhà của John chỉ có các thiết bị chạy bằng ga như bếp ga, tủ lạnh ga. Gia đình anh cũng không có tivi, máy tính cũng bị lược bỏ hết các thiết bị có thể kết nối mạng.
Người đàn ông Mỹ này, vì muốn tiếp xúc với thế giới náo nhiệt bên ngoài mà chủ động rời bỏ cộng đồng của mình. John xin vào làm ở một công ty về in ấn 3D và máy móc, háo hức làm quen với các tiện nghi của cuộc sống hiện đại.
Anh làm nhà riêng, sống ngay sát nhà bố mẹ – khu vực tập trung đông người Amish tại bang Pennsylvania nhưng không được phép tham dự các hoạt động chung của cộng đồng này như trước kia.
Thông qua mạng xã hội, John vô tình quen biết Yến Nhi – một cô gái quê Kiên Giang. Tháng 11/2018, John đến Việt Nam du lịch và ngỏ ý muốn gặp nhưng Nhi từ chối, chỉ muốn giữ việc trò chuyện tâm tình qua mạng xã hội.
Tháng 2/2019, John lại đến Việt Nam, quyết gặp Nhi bằng được. Lần này, cô đồng ý gặp và xác lập mối quan hệ hẹn hò. Họ đính hôn vào giữa năm 2019 và đến 2020 thì kết hôn.
Nhi còn nhớ, thời điểm đó là cao điểm dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Cô làm xong thủ tục giấy tờ, đặt chân sang Mỹ được 1 tuần thì toàn bộ sân bay đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Họ đã có một đám cưới vô cùng đơn giản, chỉ tốn khoảng… 100 USD. Gần như không có gia đình John tham gia lễ cưới (vì anh đã từ bỏ cộng đồng Amish), chỉ có một người cháu gọi anh bằng cậu và một vài người bạn có mặt chứng kiến.
Nhi không tủi thân, vì thấu hiểu nỗi khổ của chồng và cái khó của gia đình anh cũng như các điều luật của cộng đồng người Amish tại đây.
Chuyển vào rừng sống tách biệt thế giới văn minh, kiếm sống từ cây trái vườn nhà
Thời gian đầu kết hôn, họ sống ở bang Pennsylvania. Nhi kể, đó là vùng đất êm ả, mọi người đều thân thiện, ấm áp. Gia đình chồng yêu mến Nhi, cô cũng cảm thấy được an ủi, bớt cô đơn hơn, vì chồng đi làm phần lớn thời gian trong ngày.
Mới được hơn 1 năm, Nhi vừa hòa nhập được với văn hóa nước Mỹ và phong tục của cộng đồng người Amish, John lại đặt vấn đề chuyển đi nơi khác sống. John nói, khát vọng của anh là muốn làm chủ cuộc đời, muốn có nhiều thời gian dành cho gia đình, chăm sóc vợ con. Nhi nhớ lại, thời điểm đó cô không khỏi bối rối.
Khi bé David (tên ở nhà là Lúa) 5 tháng tuổi, John lên kế hoạch nghỉ việc. Anh tìm một nơi ở mới để xây nhà, dự kiến sống đời tự cung tự cấp, tương tự như cộng đồng đã nuôi anh lớn lên.
Tháng 7/2021, John bán mảnh đất riêng rộng 5 mẫu (khoảng 2 hecta) ở bang Pennsylvania và mua mảnh đất rộng 19 mẫu (gần 8 hecta) tại thị trấn Crossville bang Tennessee, thuộc khu vực rừng nguyên sinh cũ, thưa vắng dân cư và rất ít xe cộ qua lại.
Nơi đây cách nhà cũ của họ 10 giờ lái xe, có nền nhiệt ấm áp hơn và mức thuế phải đóng thấp hơn. John tin đây là nơi lý tưởng để gia đình Việt – Mỹ sinh sống, nuôi con.
Những ngày tháng đầu ra riêng hết sức vất vả. John vẫn phải dành khoảng 2/3 thời gian trong tháng đi làm ở Pennsylvania để có tiền trang trải cuộc sống; 1/3 thời gian dành cho dọn đất, xây nhà.
Khu đất họ mua nhiều động vật hoang dã, chưa có người khai hoang cũng chưa có lối đi. John phải thuê người làm một con đường nhỏ từ ngoài đường lớn vào nơi dựng nhà.
Tất cả mọi hoạt động xây dựng sau đó đều do người đàn ông Mỹ đảm nhiệm. Nhi nhớ lại: “John tự đào đất, đào hầm, lái máy phát cây, chặt rễ. Anh ấy cũng tự thiết kế, đo đạc, mua gỗ về dựng vách, làm mái… Dù chỉ mới học hết lớp 9 nhưng với kinh nghiệm dựng nhà của người Amish, anh thiết kế được một ngôi nhà rất chắc chắn, với 2 tầng nổi, 1 tầng hầm.
Anh không có bằng kỹ sư xây dựng, nên mỗi khâu trong việc xây dựng đều phải có người của chính quyền đến kiểm tra, thẩm định thiết kế và an toàn. Vậy mà tất cả đều được duyệt, có lẽ do anh có kinh nghiệm nhiều năm, và làm gì cũng tỉ mỉ, kỹ lưỡng”.
Họ dành phần lớn diện tích đất để làm vườn. John quy hoạch từ đầu nên khu vườn rất quy củ, chia từng khoảng rất hợp lý. Khu vườn ngoài trời được chia thành các ô, đóng khung gỗ và chia tầng như ruộng bậc thang; vườn rau trong nhà để chăm bón các loại cây giống, cây con, rau mầm.
Họ chọn cách làm nông nghiệp theo lối truyền thống, canh tác hữu cơ, hoàn toàn không dùng các chế phẩm hóa học, thuốc trừ sâu, phân bón cũng làm từ phân chuồng, mùn cưa… Ngoài rau củ quả, Nhi cũng trồng thêm hoa oải hương để làm nến hoặc bán hoa khô trang trí.
Điều bất lợi nhất của ngôi nhà là không kết nối được với hệ thống nước sạch của công ty địa phương. John và Nhi từng đào giếng khoan nhưng nước bị phèn không thể sử dụng, phải chuyển qua mua bồn chứa nước mưa, tận dụng thêm nước suối và đào ao để có đủ nước sinh hoạt.
Bị “miệt thị” vì lối sống kỳ lạ, vợ Việt tự hào vì chồng
Ngoài việc lựa chọn lối sống nông nghiệp, cặp vợ chồng Việt – Mỹ còn học các bí quyết bảo quản thực phẩm, rau củ quả theo cách của người Amish để trữ các loại thực phẩm từ 2 đến 3 năm mà không cần tới tủ lạnh.
Trong nhà, họ không sử dụng tivi vì cho rằng xem tivi rất mất thời gian. Cả hai hạn chế đến bệnh viện, chữa bệnh bằng các loại thảo dược.
Bé David được sống trong môi trường gần gũi với thiên nhiên, có nhiều thời gian tương tác với bố mẹ. Bạn thân nhất của bé là chú chó tên Phở. David cũng chơi với trẻ con hàng xóm và được bố mẹ dẫn đi công viên tại trung tâm thị trấn để giao lưu.
Cậu nhóc rất mê chơi đàn, thích ca hát líu lo, thích lăng xăng phụ giúp bố mẹ làm vườn. David tỏ ra lém lỉnh, tươi vui, hoạt bát và phát triển ngôn ngữ rất tốt.
Sau gần 1 năm sống tự cung tự cấp, gia đình John – Nhi cũng có thu nhập kha khá nhờ vào việc kinh doanh nông sản vườn nhà. Họ đến hội chợ nông sản mỗi tuần để bán rau củ quả tự tay trồng.
Với gia đình của Nhi ở Việt Nam, việc con gái lấy chồng Mỹ nhưng phải tự xây nhà, làm nông, hàng tuần đi chợ buôn bán khiến cả nhà sốc. “Mọi người nói, tưởng lấy chồng Mỹ phải sướng chứ sao lại sống cực như vậy? Nhiều bạn bè cũng hỏi tôi sao phải chọn con đường đó?”, cô kể.
Việc sống tại vùng thưa thớt, tách biệt với cuộc sống hiện đại, cộng thêm chồng xuất thân từ tộc người Amish cũng khiến gia đình đôi khi bị bàn tán, “miệt thị” vì khác thường.
Nhưng với Nhi, cô đang hạnh phúc với lựa chọn của mình. Cô cũng tìm thấy nhiều giá trị tích cực trong lối sống của người Amish như thân thiện với môi trường, luôn đặt tình yêu và sự tha thứ lên hàng đầu.
Đặc biệt, những người Amish truyền thống thường không muốn lấy bất cứ thứ gì của người khác nên rất hạn chế nhận trợ cấp. Họ cũng không muốn người khác nghĩ mình là người nghèo và rất chăm chỉ lao động.
“Nét tính cách này thể hiện rất rõ ở con người John. Nhiều thời điểm gia đình vô cùng khó khăn, nhưng chưa khi nào anh nghĩ đến việc sẽ ngồi không nhận hỗ trợ cả. Anh cũng rất hiền lành, đặc biệt là dành rất nhiều thời gian để chăm sóc gia đình, yêu thương vợ, nuôi dạy con”.
Do đó, Yến Nhi thấy tự hào về chồng và hài lòng với cuộc sống hiện tại của gia đình nhỏ.