Trào ngược axit dạ dày
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10.2018 trên Scientific Reports, độ pH của hầu hết các loại cà phê dao động từ 4,85 đến 5,10, nằm trên mức axit trên thang đo độ pH.
Dạ dày vốn là một môi trường nhiều axit, điều này sẽ làm tăng độ axit trong dạ dày khi uống cà phê. Các axit này có thể đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn, đó là lý do tại sao một số người muốn đi vệ sinh sau khi uống cà phê.
Theo phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ), hàm lượng axit trong cà phê có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như ợ nóng, trào ngược axit và đầy hơi. Các triệu chứng này do axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Vì cà phê có thể gây trào ngược axit nên những người bị trào ngược axit mãn tính (GERD) có thể dễ bị buồn nôn hơn sau khi uống cà phê.
Uống cà phê lúc đói
Thói quen thưởng thức ngay một ly cà phê trước bữa ăn sáng có thể là lý do khiến chúng ta buồn nôn. Thậm chí, một số người còn có thể cảm thấy buồn nôn dữ dội sau khi uống cà phê lúc đói, theo trang livestrong.
“Cà phê có tính axit cao, khi uống cà phê lúc dạ dày rỗng sẽ dễ kích thích niêm mạc dạ dày, gây buồn nôn cho một số người”, bà Mehak Naeem, chuyên gia dinh dưỡng người Pakistan, chia sẻ.
Không chỉ tính axit, caffeine trong cà phê cũng là thủ phạm gây buồn nôn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7.2017 trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), caffeine là chất kích thích, thúc đẩy dạ dày tiết dịch vị, một chất lỏng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn.
“Caffeine kích thích giải phóng gastrin. Chất này khi được sản xuất quá nhiều sẽ gây ra các vấn đề về dạ dày và buồn nôn. Vì vậy, hãy ăn một chút trước khi uống cà phê”, bà Naeem khuyên.
Tác dụng phụ với một số loại thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ là tương tác với caffeine trong cà phê, gây buồn nôn. Theo trang AARP, các loại thuốc này bao gồm kháng sinh (như Cipro), một số thuốc chống trầm cảm (như MAOI) và thuốc hen suyễn (như salbutamol và theophylline).
Bà Jenna Volpe, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, chia sẻ: “Buồn nôn là một trong nhiều tác dụng phụ có thể xảy ra do tương tác giữa caffeine và thuốc. Mọi người nên luôn kiểm tra kỹ nhãn khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tương tác giữa thuốc và thực phẩm”.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, nếu bạn thường xuyên bị buồn nôn khi uống cà phê, bạn có thể cắt giảm lượng cà phê tiêu thụ. Theo đó, bạn có thể cắt giảm dần dần bằng cách chuyển sang loại cà phê có hàm lượng axit thấp, thêm sữa hoặc kem vào cà phê…