“Khảo sát về tình hình giáo dục tiếng Anh” được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) thực hiện hàng năm kể từ 2013 để đánh giá thực trạng hiện tại cũng như đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện năng lực tiếng Anh.
Khảo sát nhắm vào các hội đồng giáo dục ở mỗi tỉnh và thành phố, cũng như tất cả các trường tiểu học công (18.560 trường), THCS (9.165 trường) và THPT (3.256 trường), tờ Japan Times đưa tin.
Kết quả khảo sát 2023 cho thấy 50% học sinh THCS đạt trình độ tiếng Anh tương đương với cấp độ CEFR A1 (gọi tắt là A1) trở lên và 50,6% học sinh THPT đạt cấp độ A2 trở lên. Đây lần đầu tiên học sinh 2 cấp học này của Nhật Bản đạt hoặc vượt mức 50%. Tỷ lệ này năm trước lần lượt là 49,2% và 48,7%,
Trong khi đó, tỷ lệ học sinh đạt trình độ B1 trở lên là 19,8%, giảm 1,4% so với năm trước. Ngoài ra, vẫn còn nhiều khoảng cách về khả năng tiếng Anh giữa các tỉnh và thành phố.
Mục tiêu của chính phủ Nhật Bản, như được nêu trong “Kế hoạch cơ bản về khuyến khích Giáo dục lần thứ 4 giai đoạn 2023- 2027” là có ít nhất 60% học sinh THCS và THPT đạt trình độ A1 trở lên vào cuối cấp THCS và A2 trở lên vào cuối cấp THPT.
Khả năng tiếng Anh của giáo viên tiếng Anh Nhật Bản cũng đang cải thiện. Tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt trình độ tương đương B2 là 44,8% ở các trường THCS và 80,7% ở các trường THPT. Tất cả những con số này đều trên đà tăng và là cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh ở cấp THPT đạt trình độ C1 trở lên là 21,8%, giảm 0,7% so với năm trước.
Các vấn đề mang tính hệ thống
Giáo dục tiếng Anh ở Nhật Bản bắt đầu vào giữa thế kỷ 19, theo Tổ chức Gymboree Global. Trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), chỉ một nhóm nhỏ học sinh thuộc tầng lớp tinh hoa được học tiếng Anh tại các trường THCS và THPT.
Đến thời kỳ Đại Chính (1912-1926), giáo dục tiếng Anh đã lan rộng toàn quốc. Tuy nhiên, sự phát triển này bị ngừng lại trong Thế chiến II do xung đột với Anh và Mỹ. Sau Thế chiến II, giáo dục tiếng Anh được khôi phục, chủ yếu dưới sự ảnh hưởng của Mỹ. Lúc này, trọng tâm là phát triển kỹ năng đọc và viết, nhằm tạo ra những nhân viên người Nhật có khả năng hiểu và viết tài liệu cho nước ngoài.
Giáo dục tiếng Anh ở Nhật Bản đối mặt nhiều vấn đề mang tính hệ thống. Mặc dù học sinh học tiếng Anh suốt từ THCS đến đại học, nhưng nhiều em khó sử dụng để giao tiếp, chủ yếu do sự tập trung vào đọc, viết và ngữ pháp, cùng với việc giáo dục thiên về thi cử.
Giáo dục ngoại ngữ này ở Nhật Bản còn thường thiếu các hoạt động nghe và nói cần thiết. Học sinh có thể đọc tiếng Anh thành tiếng trong lớp, nhưng hiếm có cơ hội được hướng dẫn phát âm chuẩn và cá nhân hóa việc học, cũng như sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học, dẫn đến việc thiếu thực hành trong bối cảnh thực.
Nhiều lớp học tiếng Anh do giáo viên Nhật Bản giảng dạy và sử dụng tiếng Nhật thay vì tiếng Anh, gây cản trở khả năng phát triển kỹ năng nghe và nói của học sinh.
Chiến lược đầu tư vào lương cho giáo viên
Đầu tư vào mức lương và cải thiện trình độ của giáo viên tiếng Anh được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể khả năng sử dụng ngoại ngữ này tại Nhật Bản.
Giáo viên tiếng Anh ở Nhật Bản thường có thu nhập 200.000-600.000 Yen/tháng (khoảng 34,4-103,4 triệu đồng), theo số liệu của Tổ chức TEFL. Mức lương này có sự khác biệt tùy theo vị trí địa lý, và cao hơn ở các khu vực đô thị, đặc biệt là Tokyo, do chi phí sinh hoạt cao.
Chương trình JET (Trao đổi và giảng dạy Nhật Bản) là sáng kiến của chính phủ đưa người nước ngoài đến Nhật Bản để làm trợ lý giáo viên ngôn ngữ (ALT) tại các trường công lập hoặc làm điều phối viên quan hệ quốc tế (CIR) tại các văn phòng chính quyền địa phương. Giáo viên trong chương trình JET bắt đầu với mức lương 280.000 Yen/tháng (khoảng 48,2 triệu đồng) và mức lương hàng năm dao động 2.8-3.9 triệu Yen (khoảng 482 triệu-672 triệu đồng).
Giáo viên hỗ trợ ngôn ngữ (ALTs) có mức lương từ 200.000 đến 250.000 Yen/tháng (khoảng 34,4 triệu đến 43,1 triệu đồng), tùy thuộc vào kinh nghiệm. Quy mô lớp học thường lớn hơn với hơn 30 học sinh. Mặc dù mức lương có thể không cao vọt, nhưng đây là một điểm khởi đầu tốt cho các giáo viên mới.
Giáo viên tại các Eikaiwas (trường tiếng Anh tư nhân) có thể kiếm khoảng 250.000 Yen/tháng (khoảng 43,1 triệu đồng). Họ thường làm việc 5-8 giờ/ngày với quy mô lớp học nhỏ, từ 10 đến 15 học sinh.
Giảng dạy tại các trường đại học có mức lương cao hơn, dao động 300.000- 600.000 Yen/tháng (khoảng 51,7 triệu-103,4 triệu đồng. Các vị trí tại trường đại học thường yêu cầu ít giờ làm việc hơn, khoảng 10-15 giờ/tuần, và có thời gian nghỉ phép dài.
Nhiều giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường quốc tế có mức lương dao động 250.000-600.000 Yen/tháng (khoảng 43,1 triệu-103,4 triệu đồng). Các trường này thường có trợ cấp về nhà ở nhưng phần lớn đều nằm trong các khu vực đô thị, đặc biệt là Tokyo.
Nhìn chung, dạy tiếng Anh ở Nhật Bản có mức lương cạnh tranh và nhiều cơ hội, cho phép giáo viên có cuộc sống thoải mái, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, con đường để nâng cao đáng kể năng lực ngoại ngữ của đất nước hoa anh đào vẫn còn dài và đầy thử thách. Mức độ cải thiện theo khảo sát của MEXT là đáng ghi nhận nhưng chưa đáng kể.
Một cuộc khảo sát năm 2023 của công ty giáo dục quốc tế Thụy Sĩ EF Education First, đo lường trình độ tiếng Anh của người dân ở 113 quốc gia và khu vực không nói tiếng Anh, cho thấy Nhật Bản xếp thứ 87 về tổng thể và thứ 15 trong số 23 quốc gia và khu vực châu Á. Quốc gia này đứng mức thứ 4 trong 5 mức, tương đương với “trình độ thấp” (64-90).
GS Barry O’Sullivan (Hội đồng Anh) nhận định, việc thúc đẩy cải cách giáo dục tiếng Anh ở Nhật Bản cần có tầm nhìn dài hạn vì những thay đổi có ý nghĩa thường mất một thế hệ mới có thể hoàn thiện. Cải cách có thành công hay không phụ thuộc vào việc thống nhất 3 cấu phần chính: chương trình giảng dạy quốc gia, phương pháp giảng dạy và các phương pháp đánh giá – được gọi chung là Hệ thống học tập toàn diện.
Theo GS Barry, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo giáo viên được trang bị đầy đủ để đáp ứng các mục tiêu giáo dục mới; các nhà xuất bản phải phát triển sách giáo khoa phù hợp với những mục tiêu này; đồng thời hệ thống đánh giá cần bao quát cả 4 kỹ năng ngôn ngữ.
Dù quá trình này phức tạp và đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm từ những quốc gia như Tây Ban Nha cho thấy, khi được triển khai toàn diện, cải cách có thể mang lại những tiến bộ đáng kể theo thời gian.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tra-hon-103-trieu-thang-nhat-ban-dau-tu-luong-giao-vien-tieng-anh-nhu-nao-2324807.html