Anh Đoàn Đông có khoản tiết kiệm 160 triệu đồng gửi kỳ hạn 6 tháng tại một ngân hàng. Tuy nhiên, khi đọc tin tức thấy ngân hàng này đang bị kiểm soát đặc biệt, anh Đông thắc mắc liệu số tiền mình gửi có an toàn hay không?
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, TS Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TPHCM chia sẻ: Nhiều người quan tâm vấn đề này khi gửi tiền tại các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc ngân hàng 0 đồng. Đây là mối quan tâm chính đáng của người dân.
Những ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, tức là đang gặp trục trặc về vấn đề thanh khoản, cấu trúc tài chính….
Theo tìm hiểu, 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng (là Ngân hàng Xây dựng – CBBank, Ngân hàng Đại Dương – OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu – GP Bank) và Ngân hàng Đông Á.
Tuy nhiên, ông Đình Linh cho biết, hoạt động kinh doanh ngân hàng dựa trên sự uy tín của thương hiệu, lòng tin của người gửi tiền.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm điều phối, điều tiết, quản lý an ninh, an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã rất nhanh chóng trong việc kiểm soát tạo ra tính cân bằng, an toàn trong tài chính, khả năng chi trả của ngân hàng yếu kém.
“Mọi thứ đang dần đi vào ổn định nên người dân gửi tiền cần có lòng tin đối với chính sách, sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Từ vụ SCB cho đến Đông Á Bank, các ngân hàng mua lại 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp để đảm bảo khả năng chi trả” – TS Châu Đình Linh nói.
Giảng viên, Trường Đại học Ngân hàng phân tích, đối với người dân, khi gửi tiền thường có các tiêu chí như tính an toàn, lãi suất, thương hiệu,…
Nếu người dân ưu tiên sự uy tín khi gửi tiền, có thể tìm đến các ngân hàng có thương hiệu lớn, lịch sử hoạt động không nhiều biến động, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức quốc tế.
Nhưng nếu người dân ưu tiên tiêu chí lời lãi, người dân có thể tìm đến các ngân hàng có lãi suất hấp dẫn để sinh lời số tiền của mình.