Theo Savills, trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, chỉ trong nửa đầu năm, 16.900 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động hoặc giải thể tại Hà Nội, tăng 29%/năm và đạt mức cao kỷ lục.
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và tiếp tục hoạt động kinh doanh cũng lần đầu tiên sụt giảm từ đầu năm 2020. Đi kèm với đó, việc nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về tài chính đã tác động tới công suất thuê.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, có hai lý do tác động tới sự sụt giảm về công suất thuê toàn thị trường.
Đầu tiên có thể thấy, phân khúc khách thuê trả trên 40 USD/m2 có xu hướng chậm lại hẳn, trong khi đó các hợp đồng với giá thuê khiêm tốn lại được ưa chuộng hơn.
Lý do thứ hai là các công ty về mảng công nghệ thông tin, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp công nghệ, đang tăng trưởng chậm lại sau thời kỳ phát triển nóng.
“Tại Hà Nội, thậm chí một số doanh nghiệp công nghệ thông tin đã buộc phải trả lại mặt bằng trước thời hạn”, bà Minh nói.
Cũng theo bà Hoàng Nguyệt Minh, thị trường trong quý ghi nhận sự thay đổi về nhu cầu thuê. Cụ thể, tại thời điểm 2021 – 2022, các doanh nghiệp về công nghệ thông tin gần như dẫn đầu về nguồn cầu thị trường văn phòng.
Tuy nhiên sang tới năm 2023, khi tình hình kinh tế có xu hướng chậm lại, các quỹ cũng dừng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, dẫn đến việc các công ty này bắt đầu cân đối lại diện tích thuê, thậm chí trả lại mặt bằng thuê văn phòng.
“Trong sáu tháng đầu năm 2022, số lượng các giao dịch cho thuê với khách thuê là doanh nghiệp công nghệ thông tin chiếm tới 32%, nhưng đến năm nay, tỷ lệ này chỉ còn một nửa”, bà Minh chia sẻ.
Theo vị chuyên gia, cơ cấu khách thuê cũng đã thay đổi. Trong sáu tháng đầu năm, các giao dịch thuê văn phòng đa phần đến từ doanh nghiệp thuộc phân khúc sản xuất, bởi đây là mảng đang không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tình hình kinh tế hiện nay.
Đứng thứ hai về nhu cầu thuê là các doanh nghiệp về giáo dục, điển hình là các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dạy tin học hay các văn phòng của các trường đại học mở tại thị trường Việt Nam.
Bà Minh dự kiến, thị trường trong những tháng cuối năm sẽ ghi nhận thêm số lượng các giao dịch lớn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, tài chính, luật.
Điểm đặc biệt của các doanh nghiệp này là nhu cầu thuê về diện tích sẽ ở mức trung bình, trong khoảng 200 – 500 m2.
Để duy trì tính cạnh tranh và đẩy mạnh công suất, nhiều đơn vị cho thuê đã có phương án hạ giá thuê và tăng cường khuyến mãi để hỗ trợ khách thuê.
Trong khi đó, các khách thuê ngày càng ưu tiên vấn đề chi phí và nghiêng về những lựa chọn có giá cả phải chăng hơn.
Bà Minh nhấn mạnh: Các giao dịch trên thị trường văn phòng hiện nay đều dao động trong khoảng giá từ 20-35 USD/m2, các tòa nhà trong khoảng giá này vẫn có sức hấp thụ rất tốt.
Tuy nhiên, những tòa nhà với giá thuê cao ở mức 40-50 USD/m2 trên thị trường có dấu hiệu chậm hơn hẳn về số lượng các giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.”
Hiện, nhu cầu sử dụng văn phòng vẫn tiếp tục được ghi nhận, các công ty vẫn khuyến khích nhân viên tới làm việc tại văn phòng nhiều hơn. Điều này có thể đảm bảo an ninh cho công ty, đồng thời thúc đẩy phát triển các dịch vụ tiện ích cho nhân viên sử dụng.
Bởi lẽ đó, các công ty hiện nay sẽ chú trọng hơn để thiết kế văn phòng đáp ứng được nhu cầu của người làm việc, từ đó gia tăng mong muốn đến văn phòng của các nhân viên. Vì vậy, những tòa văn phòng với đa dạng tiện ích, vị trí thuận lợi và giá cả phải chăng đang là những lựa chọn hàng đầu của các khách thuê hiện nay.
Trước những thay đổi này, bà Minh đánh giá: “Nhu cầu đối với mặt bằng văn phòng trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tập trung tại khu vực Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy. Khu vực trung tâm như Hoàn Kiếm sẽ ít tập trung nguồn cầu bởi hiện nay mặt bằng trống tại đây rất hạn chế, đồng thời giá thuê vẫn neo ở mức cao”.
Thêm vào đó, bà Minh dự đoán, giá thuê và công suất trung bình văn phòng tới cuối năm sẽ có sự cải thiện, bởi nguồn cung mới tới cuối năm sẽ chỉ vào khoảng 80.279 m2 với Lotte Mall chiếm tới 38% nguồn cung mới.
Tiếp đó là nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, giáo dục và tư vấn sẽ tiếp tục gia tăng. Đây được xem là những lĩnh vực chính, thúc đẩy sự phát triển của thị trường văn phòng trong nửa cuối năm 2023 cũng như nửa đầu năm 2024.