“Thuyền trưởng” của Gamuda Land Việt Nam: Luôn giữ vững các giá trị cốt lõi
Gamuda Land Việt Nam đang có những điều chỉnh chiến lược để nắm bắt cơ hội và đạt được bước phát triển mới.
Sau 16 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, doanh nhân người Malaysia, ông Angus Liew Bing Fooi đã đạt được vị trí quan trọng và rất có uy tín trong cộng đồng doanh nhân, đầu tư bất động sản. Là Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam, ông đóng vai trò then chốt trong việc định hình chiến lược và phát triển của doanh nghiệp tỷ đô này tại thị trường Việt Nam. |
Ông Angus Liew Bing Fooi, Chủ tịch HĐQT Gamuda Land Việt Nam chia sẻ, kiên định với mục tiêu là nhà phát triển đô thị hàng đầu, Gamuda Land luôn giữ vững các giá trị cốt lõi: chân thành, trách nhiệm, tiên phong.
Gắn bó với Việt Nam hơn 16 năm, chứng kiến quá trình phát triển đô thị của Việt Nam trong thời gian qua, ông ấn tượng nhất với điều gì?
Tôi đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam vào phát triển hạ tầng trong những năm gần đây, vì phát triển hạ tầng là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ qua. Việt Nam đang ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ, sân bay, cảng biển.
Việc chú trọng phát triển hạ tầng không chỉ đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển giao thông và tiện ích.
Đặc biệt, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội được khai trương năm 2021 và tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 là những điểm sáng trong quá trình đô thị hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam đang hướng tới.
Ở góc độ cá nhân hơn, điều gì đã khiến ông chọn Việt Nam để sinh sống và làm việc?
Sau khi hoàn thành chương trình học về kỹ thuật dân dụng ở Australia vào năm 2000, tôi quay trở lại Malaysia, nơi tôi đã tích lũy được kinh nghiệm chuyên môn quý giá trong lĩnh vực phát triển bất động sản và xây dựng.
Năm 2008, tôi được Công ty cử sang Việt Nam làm việc. Khi đó, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong khu vực, vì mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, không bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái kinh tế 2007-2008.
Sau một thời gian sống ở đây, tôi yêu Việt Nam và muốn tiếp tục làm việc ở Việt Nam lâu hơn nữa. Việt Nam có nền văn hóa độc đáo, dễ tiếp cận, người dân thân thiện và ham học hỏi. Đây là những lý do tôi muốn được kết nối nhiều hơn với đất nước này. Tôi cũng đã học tiếng Việt để có thể hiểu và dễ dàng giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên và cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó.
Sống và làm việc ở Việt Nam hơn 16 năm qua, tôi đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam khiến ông thay đổi như thế nào?
Tôi nghĩ, cách tôi điều hành công việc kinh doanh cũng giống như cách tôi sống bình thường vậy! Là một “Gamudian” (thành viên của Gamuda – PV), tôi luôn tuân thủ các giá trị cốt lõi: chân thành, trách nhiệm và tiên phong.
Hơn 16 năm sống ở Việt Nam, tôi hiểu thêm về mảnh đất, văn hóa và con người nơi đây. Điều này cũng giúp tôi rất nhiều trong việc quản lý Gamuda Land tại Việt Nam. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, chăm sóc môi trường, các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)… nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho cuộc sống của người dân Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ về hoạt động kinh doanh của Gamuda Land tại Việt Nam những năm qua?
Kinh tế chung và thị trường bất động sản có những thay đổi đáng kể trong năm 2023. Đứng trước cả thách thức và cơ hội của nền kinh tế, Gamuda Land vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và đạt được những cột mốc mới.
Chúng tôi đã hoàn tất 3 giao dịch mua bán – sáp nhập (M&A) dự án trong 3 năm qua. Kể từ năm 2020, chúng tôi đã chuyển chiến lược từ phát triển khu đô thị sang các dự án có tốc độ quay vòng vốn nhanh và tiếp tục mở rộng quỹ đất.
Với kế hoạch kinh doanh chiến lược này, trong 2 – 3 năm qua, Gamuda đã huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới, cũng như hình thành đội ngũ nguồn nhân lực đủ mạnh để tích cực tìm kiếm các dự án mới và ký kết nhiều thương vụ hơn nữa. Khi cơ hội đến, chúng ta cần phải nắm bắt để đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.
Vì sao Gamuda Land chuyển từ hình thức phát triển khu đô thị lớn sang phát triển dự án quay vòng vốn nhanh?
Về cơ bản, chúng tôi chủ động xây dựng chiến lược quay vòng vốn nhanh để bổ sung mô hình kinh doanh, bên cạnh mô hình phát triển khu đô thị mới đã có, nhằm tăng tỷ suất lợi nhuận trên tổng số vốn sử dụng của doanh nghiệp.
Chiến lược quay vòng vốn nhanh của Gamuda nhằm tạo ra một “dây chuyền” các dự án. Khi một dự án kết thúc, một dự án khác bắt đầu và phần vốn/thu nhập của dự án trước tiếp tục được tái đầu tư vào dự án tiếp theo. Dây chuyền này mang lại tăng trưởng ổn định cho Gamuda Land.
Liên quan chiến lược này, tôi muốn nhấn mạnh 2 khía cạnh.
Thứ nhất, chiến lược của chúng tôi là đa dạng hóa danh mục sản phẩm để hiện thực hóa năng lực mạnh mẽ và phương pháp quy hoạch toàn diện mang tính đột phá của Gamuda Land bằng chiến lược M&A, phát triển các dự án quay vòng vốn nhanh, như các khu phức hợp cao tầng, nhà phố thương mại…
Thứ hai, chúng tôi tạo ra sự cân bằng tối ưu giữa các dự án phát triển khu đô thị quy mô lớn của Gamuda Land và các dự án quay vòng vốn nhanh có quy mô vừa phải. Chúng tôi thực hiện chiến lược này và vẫn kiên định với mục tiêu là nhà phát triển đô thị hàng đầu. Mặc dù việc phát triển các khu đô thị lớn đòi hỏi nguồn vốn ban đầu cao hơn và thời gian hoàn vốn lâu hơn, chúng tôi vẫn đang cân bằng chiến lược này với các dự án phát triển quy mô nhỏ mà chúng tôi thấy có thể thu hồi được vốn trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu phát triển. Sau 5 năm, chúng tôi sẽ có thể tái đầu tư vốn thu được từ các dự án quay vòng vốn nhanh vào các dự án mới khác.
Trong 10 năm tới, chiến lược phát triển của Gamuda Land tại Việt Nam đặt trọng tâm vào nội dung gì, thưa ông?
Mở rộng quỹ đất là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi lúc này. Có quỹ đất “sạch” đủ lớn, đủ thủ tục pháp lý là thách thức lớn nhất trong việc phát triển các dự án đô thị tích hợp tại Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, quỹ đất ngày càng khan hiếm hơn. Việc tìm được một mảnh đất rộng lớn như Gamuda City với 274 ha tại Hà Nội hay Celadon City với 82 ha tại TP.HCM là điều gần như không thể thực hiện được ở giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cam kết với chiến lược phát triển bền vững của mình tại Việt Nam.
Như đã đề cập ở trên, chúng tôi rất quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm tại Việt Nam. Tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam là bước đi quan trọng mang tính chiến lược để chúng tôi đạt được mục tiêu doanh thu và đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm giới thiệu từ 10 đến 15 dự án mới ra thị trường trong 5 – 10 năm tới.
Đặc biệt, Gamuda Land là một trong những chủ đầu tư đầu tiên ở Việt Nam kết hợp các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào các công trình của mình. Chúng tôi tự hào về những mảng vườn sinh học xanh trong các dự án của mình đang giữ cho toàn bộ trong và cả ngoài dự án luôn được bao phủ bởi màu xanh của cây cối. Kế hoạch tổng thể phát triển dự án được cân nhắc kỹ lưỡng của chúng tôi cũng tập hợp tất cả các yếu tố chính một cách hài hòa, bao gồm tất cả các lĩnh vực, từ kiến trúc, đến cơ sở vật chất và tiện ích phù hợp, công viên và cảnh quan trong các dự án.
Trong quá trình mua sắm nguyên vật liệu xây dựng, chúng tôi áp dụng nhiều tiêu chuẩn ISO khác nhau và thực hiện quy trình tái chế vật liệu, các chi tiết và rác thải sinh hoạt. Gamuda Land cũng áp dụng các tiêu chuẩn xanh như LOTUS và LEED vào các dự án tại Việt Nam.