Thành lập Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dược liệu Vườn Lá, Bùi Thị Thuỷ (sinh năm 1988, ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) mong muốn liên kết phụ nữ địa phương cùng nhau phát triển kinh tế. Hiện nay, hợp tác xã đang cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm được làm từ bưởi.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, Bùi Thị Thủy cho biết: “Trước khi khởi nghiệp, tôi đã trải qua khá nhiều nghề. Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước có một công việc có thể đi cùng với mình nhiều năm tháng và mình phải yêu thích công việc đó. Sau khi làm qua nhiều công việc khác nhau như mở xưởng may, bán quần áo, chăn nuôi… tôi vẫn chưa tìm thấy công việc nào phù hợp với mình.
Năm 2019, tôi cùng 2 em gái thành lập Lá Farm, làm thảo mộc gội đầu và xà phòng thảo mộc. Tôi mong muốn đưa thảo mộc đến với nhiều người hơn và mong muốn có một công việc để nuôi sống bản thân, vừa có nhiều thời gian đồng hành cùng con”.
PV: Cơ duyên nào đưa chị đến với mô hình kinh doanh dược liệu Vườn lá?
Chị Bùi Thị Thủy: Chính sự khao khát có một nghề đi cùng mình nhiều năm tháng, nghề đó phải nuôi được bản thân và gia đình, giúp được nhiều người khác nên tôi đã lăn xả nhiều nghề, cố gắng hết mình với mỗi công việc để biết được mình sẽ phù hợp hoặc không phù hợp với nghề nào.
Đến một ngày, tôi đã tìm được con đường của mình. Mặc dù con đường lúc đó còn mịt mù nhưng tôi biết đây là con đường mình đã tìm kiếm từ lâu. Phần vì tôi thích cây cỏ, mong muốn làm được sản phẩm lành tính gửi tới người tiêu dùng. Bắt đầu, tôi mở công ty ở TPHCM. Sau đó, tôi thành lập Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dược liệu Vườn lá ở Đồng Nai.
PV: Thời gian đầu khởi nghiệp, chị đã gặp những khó khăn gì và vượt qua như thế nào?
Chị Bùi Thị Thủy: Không chỉ tôi mà rất nhiều người phải đối mặt với khó khăn khi khởi nghiệp. Với tôi, sự khó khăn ấy nhân lên nhiều lần, bởi tôi không học đại học, không có tiền và lúc đó, tôi còn có 3 đứa con nhỏ. Để có chỗ làm xà phòng, tôi phải đi chặt tre về để ngăn vách.
Những ngày mưa, tôi căng bạt để che cho thảo mộc không bị ướt. Tôi vất vả cải thiện đất nhưng trồng cây mãi không lên. Tôi không có kinh nghiệm về marketting, không biết cách bán hàng, không biết làm video, xây dựng cộng đồng…
Thời gian đầu chưa có khách hàng, gia đình em gái đã hỗ trợ tôi suốt 2 năm. Thế nhưng, tôi cứ kiên trì mỗi ngày, làm sai rồi sửa. Trên hành trình đó, tôi đã gặp được nhiều người giúp đỡ, động viên và ủng hộ tôi nên mỗi ngày tốt hơn một chút.
Hiện tại, tôi vẫn có những khó khăn nhưng 4 năm khởi nghiệp đã cho tôi tinh thần cố gắng mỗi ngày, luôn có nhiều hơn một cách để giải quyết vấn đề nên tôi luôn tâm niệm là chuyện gì cũng có giải pháp, mình cần bình tĩnh trong mọi chuyện.
PV: Hiện nay, mô hình hợp tác xã phát triển như thế nào? Trong thời gian tới, chị dự định phát triển mô hình này ra sao?
Chị Bùi Thị Thủy: Hiện nay, các sản phẩm của Hợp tác xã Vườn Lá đang được phân phối tại TPHCM, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai… Bên cạnh đó, Vườn lá đang trong giai đoạn hoàn thiện lớp học chuyên sâu về xà phòng để hướng dẫn cho những người yêu thảo mộc và thích làm xà phòng thảo mộc.
Vườn Lá mong muốn tận dụng nguồn nông sản địa phương để làm xà phòng. Chúng tôi mở lớp làm xà phòng là để hướng dẫn chị em có một nghề nuôi sống bản thân và gia đình.
PV: Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/luon-co-nhieu-hon-mot-cach-de-giai-quyet-kho-khan-khi-khoi-nghiep-20240827153518477.htm