Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về căng thẳng Israel-Palestine tại khu vực Bờ Tây những ngày qua, đặc biệt là sau vụ việc tại trại tị nạn ở Jenin.
Một xe bọc thép của Israel tại khu vực thành phố Jenin ngày 4/7. (Nguồn: Times of Israel) |
Đêm ngày 4/7, truyền thông Israel dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết Các Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bắt đầu rút khỏi thành phố Jenin ở Bờ Tây sau 44 giờ triển khai chiến dịch quân sự ở khu vực này.
Trong khi đó, truyền thông Palestine cho hay vẫn còn một số vụ đụng độ lẻ tẻ giữa IDF với các tay súng Palestine tại khu vực. Theo cơ quan y tế Chính quyền Palestine, tổng cộng 12 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, trong đó có 20 người bị thương tích nghiêm trọng.
Thông báo của IDF cho biết, lực lượng này đã bắt giữ và thẩm vấn 300 người và chỉ bắt giam 30 nghi phạm. IDF đã phá hủy 8 “kho” vũ khí, 6 “phòng thí nghiệm” chế tạo chất nổ và 3 “phòng điều hành” được các tay súng Palestine sử dụng. Các lực lượng cũng thu giữ 24 khẩu súng trường, 8 khẩu súng ngắn và nhiều đạn dược.
* Cùng ngày, IDF thông báo: “Có 5 quả tên lửa được bắn đi từ Dải Gaza hướng tới lãnh thổ Israel. Bộ phận phòng không của IDF đã đánh chặn thành công tất cả tên lửa này”. Hiện chưa có bất cứ bên nào của Palestine nào nhận trách nhiệm về vụ việc này.
* Chiều ngày 4/7, Cơ quan an ninh Israel Shin Bet cũng đã ngăn chặn một vụ “tấn công khủng bố” ở phía Bắc Tel Aviv. Cụ thể, một người Palestine đã đâm chiếc xe bán tải vào người đi bộ trên vỉa hè ở phố Pinchas Rosen, sau đó xuống xe và dùng dao đâm những người khác. Người Palestine này sau đó đã bị một dân thường có vũ trang bắn chết. Vụ việc nêu trên đã khiến 7 người bị thương, trong đó 4 người thương nặng.
Theo Shin Bet, thủ phạm là Abed al-Wahab Khalila, 20 tuổi, đến từ thị trấn as-Samu, phía Nam Bờ Tây, gần Hebron. Người này không có giấy phép nhập cảnh Israel. Phong trào Hồi giáo Hamas đã nhận trách nhiệm và khẳng định vụ việc do một thành viên người Palestine tiến hành nhằm trả đũa chiến dịch của Israel ở Jenin.
* Cùng ngày, Lực lượng Hezbollah và đồng minh là Phong trào Amal ở Lebanon ngày 4/7 đã ra tuyên bố chung chỉ trích “các hành động hung hăng và lặp đi lặp lại của Israel tại nhiều vị trí trên biên giới với Beirut”. Hai nhóm thánh chiến dòng Shi’ite cũng hoan nghênh “chiến binh kháng chiến anh dũng ở Jenin và người dân Palestine”.
Trước đó, hai tháng qua, một nhóm chiến binh Hezbollah đã dựng 2 chiếc lều và đồn trú ngay trên Đường màu Xanh, biên giới Israel-Lebanon. Do hai chiếc lều này được dựng trên phần đất Israel nên Nhà nước Do Thái đã thông qua các kênh liên lạc để gây sức ép, thậm chí đe dọa dùng vũ lực để gỡ bỏ. Song Hezbollah cũng tuyên bố kiên quyết không di dời 2 chiếc lều cùng binh sĩ và sẵn sàng cho căng thẳng nếu phía Israel muốn như vậy.
* Cũng trong ngày 4/7, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng Israel-Palestine tại Bờ Tây, đặc biệt là vụ tấn công vào trại tị nạn ở Jenin, khiến 10 người Palestine thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Bất ổn leo thang ở Jenin buộc hàng trăm gia đình người Palestine phải rời bỏ nhà cửa. Phó Thị trưởng Jenin Mohammed Jarrar nói rằng nhiều nhà cửa, hạ tầng đã bị phá hủy trong khi điện và nước trong Trại Jenin bị cắt.
Phat biểu cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk nhấn mạnh: “Các vụ việc gần đây ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng và vụ đâm xe ở Tel Aviv đang trở thanh một chuỗi sự kiện quá quen thuộc. Cần phải nhớ rằng bạo lực chỉ sinh ra bạo lực. Cần phải chấm dứt ngay các hành động sát hại, làm bị thương hay hủy hoại tài sản”. Theo Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, chiến dịch ở Jenin mà Israel đang tiến hành ở Bờ Tây làm dấy lên những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến các tiêu chuẩn và quy tắc nhân quyền quốc tế. Theo ông, các lực lượng ở Bờ Tây cần phải tuân thủ các quy định quốc tế về nhân quyền khi sử dụng vũ lực.
Trong khi đó, trả lời chất vấn của các thành viên quốc hội, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tái khẳng định sự ủng hộ của Anh đối với quyền tự vệ của Israel và lên án “các cuộc tấn công khủng bố” của người Palestine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc bảo vệ dân thường phải được ưu tiên trong bất kỳ hoạt động quân sự nào và kêu gọi IDF “kiềm chế trong hoạt động của mình và cho tất cả các bên để tránh leo thang hơn nữa ở cả Bờ Tây và Gaza, cả bây giờ và trong những ngày sắp tới”. Ngoài ra, ông Sunak cho biết Anh “cũng kêu gọi Israel đảm bảo các nguyên tắc về sự cần thiết và tương xứng khi bảo vệ lợi ích an ninh hợp pháp của họ”.
Về phần mình, Bangladesh đã chỉ trích đợt tấn công của Israel. Bộ Ngoại giao nước này “tái khẳng định lập trường tuyệt đối bác bỏ các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của Israel chống lại người Palestine, dẫn đến thiệt hại về sinh mạng của dân thường, do sử dụng vũ lực bừa bãi và quá mức”.
Dhaka cũng kiên quyết ủng hộ các quyền không thể phủ nhận của người Palestine đối với một quốc gia độc lập và có chủ quyền, ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine độc lập và kêu gọi quốc tế nỗ lực chấm dứt xung đột, đưa hai bên đàm phán để khôi phục Tiến trình hòa bình Trung Đông.
Phát biểu về tình hình Israel-Palestine, Bộ Ngoại giao Đức cho biết họ đang theo dõi vụ bạo lực bùng phát mới nhất trong khu vực với “mối lo ngại lớn”. Nước này nhưng nhấn mạnh rằng “Israel cũng như mọi quốc gia khác có quyền tự vệ trước khủng bố”. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cũng cho rằng Israel “cần phải tuân thủ nguyên tắc về sự tương xứng trong luật pháp quốc tế” trong vấn đề trại Jenin.