Bước thay đổi lớn so với Luật Thủ đô 2012
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, là bước thay đổi rất lớn so với Luật Thủ đô năm 2012. Các chính sách được đề xuất đã cơ bản bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển.
“Qua theo dõi quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật, chúng tôi thấy Dự thảo Luật đã thể hiện những chính sách tạo cơ sở để chính quyền thành phố tiếp tục đề xuất và hoàn thiện hệ thống các giải pháp, biện pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung cũng như tập trung vào giải pháp về huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội… Đặc biệt có giải pháp mạnh mẽ giúp Hà Nội có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, kiến thiết đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường…”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù liên quan đến nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, để những chính sách này có thể đưa vào thực tế và thực thi hiệu quả, chúng ta cần con người có năng lực, nhiệt huyết. Do đó, các đại biểu rất quan tâm quy định về hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội, đây cũng là một nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012.
Phân quyền mạnh mẽ hơn cho thành phố
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có một chương riêng về chính quyền đô thị tại Hà Nội với nhiều cơ chế khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.
Cụ thể, Dự thảo Luật dự kiến phân quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND, UBND thành phố được quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy; có những chính sách liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức, thu hút người có tài năng; chính sách về biên chế, về tiền lương, thu nhập…
Các quy định trong Dự thảo Luật khá thông thoáng, giao quyền tương đối rộng cho chính quyền thành phố. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, trong Dự thảo Luật có quy định cho phép HĐND được quy định, thực hiện giải pháp, biện pháp về kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô, quy định vùng phát thải thấp, giảm ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra…
Cùng với đó, các giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch, chỉnh trang, tái thiết đô thị cũng được quan tâm, nhưng Dự thảo Luật mới chỉ đặt ra những khung khổ pháp lý chung, chủ yếu là phân quyền cho địa phương để tùy theo yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, nguồn lực của địa phương mà triển khai giải pháp toàn diện, đồng bộ, lộ trình phù hợp.
Liên quan đến giao thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho hay, một trong những nội dung Dự thảo Luật quy định là tập trung phát triển giao thông công cộng theo mô hình TOD. Với quy định này, TP Hà Nội có dư địa nhiều hơn để giải quyết các điểm nghẽn, bức xúc về giao thông hiện nay.
Tạo ra thế và lực cho Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, khi chúng ta phát triển các khu đô thị với điều kiện sống tốt, giao thông thuận lợi cùng các điều kiện về môi trường, cảnh quan, cơ sở hạ tầng bảo đảm thì sẽ thay đổi thói quen của người dân. Khi đó, họ sẽ không chọn ở trong các khu vực chật chội, ngõ, ngách nhỏ, điều kiện sống không bảo đảm…
Cùng đó, Dự thảo Luật cũng có quy định liên quan đến chỉnh trang, tái thiết đô thị, trong đó có đề ra giải pháp chính sách mạnh mẽ hơn so với quy định pháp luật hiện hành để quy hoạch lại, tái thiết từng khu vực trong nội đô. Những khu hiện nay mật độ dân số lớn, mật độ xây dựng cao có thể sắp xếp lại; xử lý các khu công trình lấn chiếm, các công trình có nguy cơ sụp đổ. Các giải pháp xử lý hiện nay đã có nhưng chưa thực sự mạnh mẽ.
Lưu ý khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, qua theo dõi quá trình thảo luận của đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, qua trao đổi trực tiếp, về cơ bản, các đại biểu ủng hộ nội dung của Dự thảo Luật, đặc biệt với các chính sách mang tính đặc biệt, đặc thù vì Thủ đô chỉ có một. Thủ đô cần những yêu cầu đặc biệt về quản lý, phát triển.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ có nhiều điểm thuận lợi, tuy nhiên, thông qua Luật mới là bước đầu, vì đây là đạo luật về phân quyền. Công việc mà chính quyền TP Hà Nội sẽ phải triển khai rất lớn. “Dự thảo Luật có đến 80 nội dung phân quyền, bổ sung cho chính quyền thành phố. Khối lượng văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục ban hành để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách này rất lớn”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thực hiện các chính sách “mở đường” trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Quốc hội cho ý kiến, đây sẽ là những nền tảng pháp lý, cơ sở quan trọng tạo ra thế và lực cho Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, để Thủ đô thực sự Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-nen-tang-the-che-cho-ha-noi-tang-toc-phat-trien.html