DNVN – Chia sẻ tại tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi”, chiều ngày 10/5, TS Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao các điểm đổi mới của Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, luật mở rộng đối tượng tiếp cận cũng như ưu đãi hơn cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 27/11/2023. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia, luật có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991. Những quy định phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật của luật sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân.
Trong đó, Chương VI của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội. Trước hết là nhằm thực hiện chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều chính sách nổi bật.
Luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt. Cùng với đó, cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Luật cũng quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập. Quy định này hợp tình, hợp lý với người lao động.
Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, để sớm đưa những chính sách hiệu quả về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đi vào cuộc sống, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và bảo đảm chất lượng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành này sớm hơn, có thể là từ tháng 7/2024, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu tại tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi”, các đại biểu tập trung thảo luận, nhận diện rõ các quy định mới về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Đánh giá các tác động của những quy định mới này đến chủ trương phát triển nhà ở cho người dân của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp và người nghèo.
TS Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao các điểm đổi mới của Luật Nhà ở (sửa đổi), nhất là với các nhóm nội dung liên quan tới vấn đề nhà ở xã hội. Cụ thể là các quy định hướng đến mở rộng đối tượng tiếp cận cũng như ưu đãi hơn cho các chủ đầu tư hướng vào lĩnh vực này.
Đồng quan điểm này, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) cho thấy sự phù hợp của chính sách theo hướng cố gắng tiếp cận tối đa với thực tiễn cuộc sống. Nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Các đại biểu tham dự bày tỏ kỳ vọng những điều chỉnh tích cực từ Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào nhà ở xã hội cũng như hình thành phân khúc riêng về loại hình nhà ở này.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/luat-nha-o-sua-doi-uu-dai-hon-cho-cac-chu-dau-tu-nha-o-xa-hoi/20240510100825902